Cụ thể, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 bao gồm cả diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14,86 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 10,12 triệu ha, rừng trồng là trên 4,73 triệu ha.
Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13, 92 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên 10,12 triệu ha, rừng trồng là 3,79 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.
Trong số các vùng sinh thái, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất với 5,62 triệu ha, với tỷ lệ che phủ rừng là 54,23%. Tiếp theo là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Khu vực có diện tích rừng ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số các tỉnh có rừng trên toàn quốc, Nghệ An là địa phương có diện tích rừng lớn nhất với 1,01 triệu ha; tiếp theo là Quảng Nam và Sơn La, Thanh Hóa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lạng Sơn.
Nội dung Quyết định nêu rõ, giao Cục Kiểm lâm thiết lập cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng theo quy định của pháp luật và Quyết định số 1439 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp; tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng trên phạm vi toàn quốc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về số liệu công bố hiện trạng rừng của địa phương. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân các cấp, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; sử dụng số liệu hiện trạng rừng để cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ rừng nghiêm túc thực hiện công tác theo dõi, cập nhật và báo cáo diễn biến rừng hàng năm theo quy định.
Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tổ chức rà soát, kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phục hồi diện tích rừng bị giảm; xem xét trách nhiệm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.