Những hệ lụy khôn lường
Nạn san lấp ao, hồ tại thủ đô đã để lại nhiều “hệ quả nhãn tiền” mà ai trong chúng ta cũng đều có thể thấy rõ. Trong đó, rõ nhất là việc môi trường sống, không gian sống của người dân thủ đô đang bị ảnh hưởng. Nhiều nơi trước đây từng là không gian xanh, nơi thư giãn cho người dân thì nay đã “khoác” lên mình một diện mạo mới - nhếch nhác và ô nhiễm. Giữa cuộc sống đô thị hối hả, đôi khi con người cần một chỗ để có thể hít sâu, thở nhẹ, sống chậm lại và phóng tầm mắt ra xa nhưng thứ đập vào mắt họ lại là những ngôi nhà bê tông chọc trời hoặc những bãi rác hay những căn nhà tạm bợ mọc ra từ ven hồ…
Các chuyên gia môi trường cho rằng, tình trạng ao, hồ bị san lấp sẽ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, hủy hoại cảnh quan đô thị và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ –Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, mặt nước, sông, ao, hồ là nguồn tài nguyên rất quý. Việc tự ý san lấp, lấn chiếm ao, hồ chính là một “thảm họa”. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến không gian đô thị mà còn khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khiến cho thủy sinh hồ mất cân bằng, nảy sinh ra các dịch bệnh.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đào Trọng Tứ, TS. Lê Xuân Thái - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết: “Việc đô thị không có hoặc có ít diện tích mặt nước sẽ làm cho không khí tự nhiên trở nên khó chịu do ít hơi nước. Các hồ điều hòa dần biến mất cũng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sức chịu tải của ngành điện,... Ngoài ra, diện tích ao, hồ bị thu hẹp cũng làm hạn chế không gian xanh của đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của người dân”.
Thực tế đã cho thấy, để đối phó với tình trạng lấn chiếm ao hồ, nhiều địa phương đã tiến hành xây bờ kè xung quanh ao, hồ. Tuy nhiên, ngay sau đó vấn đề mới đã phát sinh, đó là vấn đề ô nhiễm. Các cống thải sinh hoạt từ nhà dân, nhà hàng, quán ăn… được nối trực tiếp vào các ao hồ, biến nơi đây không khác gì những bể chứa chất thải khổng lồ và luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, tình trạng cá chết hàng loạt tại nhiều ao, hồ lớn vẫn thường xuyên diễn ra trong nhiều năm qua mà chưa có cách nào xử lý.
Đặc biệt, ao hồ tự nhiên có tác dụng như một “túi chứa nước” khi mưa lớn. Diện tích ao hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở các khu vực lân cận.
Đã có thời gian người dân Hà Nội quen với cảnh "cứ mưa là lụt". Mặc dù, thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để bảo vệ ao hồ nhưng dường như những biện pháp quyết liệt ấy không chống lại được sự cám dỗ của những "cơn sốt đất".
Bàn về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột. Quá trình bê tông hoá diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp ao hồ khiến cho hệ thống thoát nước của thủ đô bị đình trệ, dẫn tới tình trạng ngập úng như hiện nay.”
PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng cho rằng, tuy có nhiều nguyên nhân gây ra ngập lụt nhưng nếu các ao, hồ, đặc biệt là các hồ điều hòa bị san lấp, lấn chiếm thì nó sẽ ảnh hưởng và tác động đến việc gây ra hiện tượng lũ lụt tại thủ đô.
Cũng theo các chuyên gia, việc tự ý san lấp ao hồ không chỉ là hành vi vi phạm trong quản lý đất đai, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các hoạt động xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở.
Nhiều địa phương “than khó”
Quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn đã được UBND TP Hà Nội ban hành nhưng trên thực tế vẫn không ngăn được việc các sông, ao, hồ đang bị xâm hại mỗi ngày.
Đặc biệt, trong các vụ việc ao, hồ bị đổ phế thải trái phép, trả lời báo chí, đối với vấn đề kiểm soát và khắc phục hậu quả, đại diện UBND các phường, xã đa phần đều có chung một câu trả lời đó là liên tục than "khó".
Có thể kể đến vụ việc san lấp ao, hồ bằng phế thải xây dựng diễn ra tại phần ao hồ nằm trong diện đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường Việt Hưng, quận Long Biên. Năm 2023, theo ghi nhận, diện tích ao khu vực này đã bị thu hẹp đáng kể. Hoạt động san lấp khu ao bằng phế thải xây dựng diễn ra ngay tại khu đất nằm giữa trung tâm quận khiến khu ao này đứng trước nguy cơ xóa sổ. Để che giấu hành vi hủy hoại này, bên ngoài khu đất đều được quây tôn kín mít. Trả lời báo chí, lãnh đạo phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết, việc khôi phục hiện trạng ao, hồ là rất khó thực hiện.
Hay vụ việc lấp ao, lấp hồ bằng phế thải xây dựng còn diễn ra rầm rộ trên địa bàn 2 xã Ngọc Hồi và Liên Ninh, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ở một số vị trí điểm nóng về hiện tượng đổ thải trái phép, UBND xã Ngọc Hồi đã đặt các tấm biển cấm nhưng có vẻ như không mang lại nhiều tác dụng. Vì ở phía bên trong, nhiều khu ao với diện tích lên đến cả chục nghìn m2 nhưng giờ cũng chỉ còn lại thành cái vũng, sau cuộc xâm lấn của phế thải. Trả lời báo chí về lý do vì sao khu đất dự án đang được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì quản lý vẫn xảy ra hiện tượng lấp ao thì câu trả lời chỉ là "đổ trộm". Bên cạnh đó, đại diện huyện Thanh Trì cũng cho biết, việc xử lý phế thải xây dựng bị đổ trộm trên ao, hồ khá khó khăn vì không có địa điểm để xử lý.
Theo TS Lê Xuân Thái, việc ao, hồ thủ đô vẫn bị san lấp, lấn chiếm trái phép sau khi những quy định được ban hành là bởi một số lý do như việc chế tài của chúng ta chưa hoàn thiện. Hai là lực lượng chức năng còn mỏng và hạn chế. Ba là diện tích đất sử dụng bình quân trên đầu người ở các đô thị thấp, đặc biệt là khi giá bất động sản còn quá cao so với thu nhập trung bình của người dân ở các đô thị, từ đó dẫn đến việc nhiều người bất chấp thực hiện hành vi sai phạm.
Cần những chế tài đủ mạnh
Với những hệ lụy để lại, việc đảm bảo diện tích ao, hồ của thủ đô không bị sụt giảm là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Vậy khi các cấp chính quyền địa phương còn “than” khó thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ ao, hồ của thủ đô?
Tại điều Điều 57 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích”.
Điều 11 của Luật Kiến trúc 2019 cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.
Mặt khác, công viên, cây xanh đô thị và ao, hồ cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch.
Như vậy, chính ao, hồ, công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6). Vì vậy, những hành vi san lấp, lấn chiếm ao hồ trái phép đều là những hành vi vi phạm và cần được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo như sau:
- Hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Theo quy định hiện nay, khi bị phát hiện hoặc bắt quả tang thì ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính thì các cá nhân có hành vi đổ phế thải trái phép cần phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm. Đây là biện pháp bắt buộc khắc phục hậu quả kèm theo.
Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi san lấp ao, hồ trái phép bị xử phạt như sau:
“2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.….
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”
Ngoài ra, hành vi đổ chất thải rắn thông thường lấp sông, hồ có thể bị xử phạt tù tới 7 năm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội gây ô nhiễm môi trường, nếu đổ chất thải rắn thông thường từ 200.000kg (tức 200 tấn) tới 500.000kg (tức 500 tấn) là có thể bị xử phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu vượt quá 500.000kg thì có thể bị phạt tới 7 năm tù.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật xử lý nạn san lấp ao, hồ không phải là không có. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, những quy định này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ ao, hồ thủ đô.
Các chuyên gia nhận định, đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng và cần một chế tài đủ mạnh để bảo vệ ao, hồ Hà Nội khỏi tình trạng bị xâm hại.
PGS.TS Đào Trọng Tứ cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm nạn san lấp, lấn chiếm ao hồ. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ ao, hồ, sông suối là vô cùng quan trọng, bởi nếu không bảo vệ được thì thủ đô cũng sẽ không thể phát triển được.
“Vấn đề quản lý nhà nước và khả năng thực thi pháp luật trong bảo vệ ao, hồ vẫn còn yếu kém. Vì vậy, Nhà nước cần phải cải thiện vấn đề này. Cùng với đó, cần phải có sự quyết tâm, phối hợp, huy động lực lượng của toàn thành phố chung tay bảo vệ ao, hồ của thủ đô” - PGS.TS Đào Trọng Tứ nói.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đào Trọng Tứ, TS Lê Xuân Thái nhận định: “Để hạn chế được nạn san lấp, lấn chiếm ao hồ trái phép tại Hà Nội, trước mắt chúng ta cần định vị được chuẩn diện tích mặt nước cần bảo tồn, đẩy mạnh công tác bảo dưỡng tại các ao, hồ, có thể xây dựng kè xung quanh ao, hồ để tránh dân xây dựng, lấn chiếm tư hữu nhưng cũng cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giám sát từ cấp cơ sở như tổ dân phố, các hội phụ nữ, cựu chiến binh,.. Đồng thời, cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lấn chiếm, chiếm dụng ao, hồ trái phép…”.
Ao hồ mang lại giá trị vô cùng lớn lao cho người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Ước tính mỗi ngày trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh khoảng 5.000 tấn chất thải rắn xây dựng từ các khu dân cư và công trình. Vậy nếu khối lượng chất thải khổng lồ này đổ lấp hết xuống các ao, hồ thì hậu quả sẽ còn lớn đến mức nào… Câu chuyện ngăn chặn vấn nạn san, lấp ao, hồ được giải quyết đến đâu còn phải chờ trong thời gian sắp tới nhưng việc quan trọng trước mắt là phải bảo vệ diện tích ao, hồ đất đai còn lại trước nạn san lấp, vì sẽ rất khó để khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu cho ao, hồ. Đã đến lúc cần phải quan tâm hơn nữa, với những chế tài mạnh mẽ hơn để bảo vệ ao, hồ thủ đô không bị ô nhiễm, lấn chiếm trái phép, tạo nên diện mạo văn minh cho đô thị.