Cụ thể, tại TP Vũ Hán, Trung Quốc hôm 6/3 ghi nhận mức nhiệt 26 độ C, cao hơn 12 độ C so với mức thông thường dịp này. Nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh và những thành phố lân cận cũng chạm ngưỡng 22-25 độ C vào đầu tuần này. Cục Khí tượng quốc gia Trung Quốc cảnh báo nước này có thể tiếp tục đối mặt với thời tiết cực đoan trong năm nay vì biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tỉnh Vân Nam đang hứng chịu đợt hạn hán được dự báo kéo dài đến tháng 4, với lượng mưa trung bình thấp hơn 60% so với mức bình thường kể từ tháng 11-2022. Hồ Bá Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, cũng chưa thể phục hồi từ đợt hạn hán năm ngoái.
Mực nước tại hồ này đã xuống dưới 7 m hôm 6-3, gần chạm mức thấp kỷ lục. Trong một cuộc họp báo vào tuần trước, giới chức Trung Quốc cho biết nhiệt độ trung bình của cả tháng 2 năm nay cao hơn 1,6 độ C trong khi lượng mưa trung bình thấp hơn 3,9% so với bình thường.
Tại Úc, giới chức cảnh báo rủi ro cháy rừng gia tăng giữa lúc nắng nóng khắc nghiệt đẩy nhiệt độ nhiều khu vực lên mức cao chưa từng thấy trong 2 năm trở lại đây. Bang New South Wales (NSW) tính đến ngày 7/3 ghi nhận tổng cộng 33 đám cháy rừng, trong đó có 12 đám chưa được dập tắt.
"Sẽ mất nhiều ngày để kiểm soát những đám cháy này" - Ủy viên Cơ quan Cứu hỏa Nông thôn NSW Rob Rogers nhận định với đài ABC. Trước đó 1 ngày, nhiều khu vực ở NSW đã trải qua ngày oi bức nhất kể từ tháng 1-2021 với nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C.
Cơ quan Khí tượng Úc cảnh báo cùng với gió mạnh, thời tiết nóng và khô sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. NSW đang chống chọi rủi ro cháy rừng nghiêm trọng nhất kể từ sau các đợt hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2019 và 2020 khiến 33 người thiệt mạng ở miền Đông của Úc.