Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023: Giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn biến đổi khí hậu

Hoàng Linh|19/02/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “The Future of Weather, Climate and Water across Generations - tạm dịch Thời tiết, khí hậu và nước - Tương lai qua các thế hệ”.

Ngày Khí tượng Thế giới là sự kiện thường niên của Liên Hợp Quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 23/3 để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 23/3/1920. Mỗi năm, tổ chức này công bố một chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới. Ngày này nêu bật những đóng góp của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.

Do các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và tài nguyên nước đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người phải đối mặt với các mối nguy hiểm gia tăng hơn bao giờ hết do sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.

Trong năm 2022, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của xã hội và làm giảm các biện pháp ứng phó với các vấn đề trên. Đại dịch cũng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của cách tiếp cận xuyên biên giới để đạt được các mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.

ngay-khi-tuong-the-gioi.jpg
Biến đổi khí hậu đang diễn ra phổ biến và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới

Năm nay, Ngày Khí tượng Thế giới sẽ được tổ chức với nhiều sự kiện khác nhau như hội nghị chuyên đề, hội nghị giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng và triển lãm dành cho các chuyên gia khí tượng.

Theo đó, nhiều giải thưởng được công bố cho các nghiên cứu về khí tượng trong ngày Khí tượng thế giới. Những giải thưởng này bao gồm: Giải thưởng của Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO); Giải thưởng Giáo sư Tiến sĩ Vilho Vaisala; Giải thưởng Quốc tế Norbert Gerbier-Mumm.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước, đến sự phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn.

Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP.

Vì vậy, việc cảnh báo và hành động sớm trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được duy trì và thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) là một Cơ quan chuyên ngành thuộc Liên Hợp quốc (UN) và là tiếng nói chính thức của UN về trạng thái khí quyển Trái Đất, sự tương tác của khí quyển với đại dương, khí hậu, phân bố nguồn nước.

Ngày 23/3 hàng năm được lựa chọn là Ngày Khí tượng thế giới. Các chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng thế giới phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc các vấn đề liên quan đến nước và nguồn nước. Đây là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023: Giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn biến đổi khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.