Ngày Nước thế giới 2020: Nước và biến đổi khí hậu

Minh An (T/h)|16/01/2020 08:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày Nước thế giới năm nay 22/3/2020 Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu”.

Nước là một phần quan trọng của cuộc sống. Những thay đổi về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sự ổn định về chính trị, xã hội trên thế giới.

Nguồn nước, năng lượng, nông nghiệp và khí hậu luôn có mối quan hệ khăng khít. Khi khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu sẽ dẫn đến sự đi xuống trong chất lượng của các yếu tố khác, đặc biệt là nguồn nước. Khi khí hậu thay đổi, các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan thay đổi. Lũ lụt nhiều hơn và hạn hán nghiêm trọng hơn sẽ chờ đợi chúng ta trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Năm 2019, các hội nghị liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu được tổ chức nhằm thúc đẩy tham vọng và đẩy nhanh các hành động để thực hiện Thỏa thuận Paris. Vào năm 2020, mỗi quốc gia đã ký Hiệp định sẽ phác thảo và truyền đạt các hành động khí hậu sau năm 2020 của họ và đây cũng là năm mà Ngày Nước thế giới và Báo cáo Phát triển Nước Thế giới sẽ dành riêng cho nước và biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung.

Từ đó, ảnh hưởng đến hàng loạt các ngành kinh tế xã hội như: Vận tải và năng lượng; Dầu khí và kinh tế biển; Sức khỏe cộng đồng; Thủy sản.

Đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, khủng hoảng nước hiện nay không chỉ do nước quá ít không đủ để thỏa mãn nhu cầu của con người, mà còn do ý thức bảo vệ nguồn nước kém. Bởi vậy, cần có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường, việc cần triển khai ngay chính là lập quy hoạch phát triển bền vững tài nguyên nước các lưu vực sông, các vùng trên cơ sở gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trước tiên rà soát, xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện; hệ thống đê điều… có tính đến biến đổi khí hậu. Đồng thời củng cố, nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các hệ thống công trình khai thác, sử dụng các nguồn nước như: Đập dâng, hồ chứa thủy lợi và thủy điện, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giếng lấy nước ngầm, bể chứa… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên nước của các công trình và bảo đảm vận hành an toàn.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo dài hạn tài nguyên nước, dự báo mùa, năm về tài nguyên nước, về thiên tai, lũ, lụt, xâm nhập mặn… Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trước hết đối với các vùng miền núi Bắc Bộ, Trung Bộ. Tập trung nguồn lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, nâng cao ý thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Nước thế giới 2020: Nước và biến đổi khí hậu