Dù mới vào đầu vụ nhưng giá dứa đã “rơi” xuống mức thấp kỷ lục.
Huyện Quỳnh Lưu được xem là vựa dứa lớn nhất tỉnh Nghệ An, trong đó tập trung tại một số địa phương xã Tân Thắng với hơn 700 ha, xã Quỳnh Thắng 80 ha, còn lại ở một số xã như Quỳnh Châu, Quỳnh Tân…Cây dứa cũng được xem là loại cây trồng chủ lực tại đây, giúp người dân cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Những ngày cuối tháng 3/2019, do nhiều diện tích dứa chín sớm nên các hộ gia đình trồng dứa ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phải thu hoạch vội bán cho thương lái. Tuy nhiên, giá dứa rớt thê thảm khiến nhiều hộ gia đình vừa thu hoạch vừa phải đưa xuống chợ hoặc chở ra Quốc lộ 36 (đoạn đường từ thị xã Thái Hòa xuống cảng Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai) bán lẻ từng quả cho khách qua đường.
Đặc biệt, năm 2019, giá dứa duy trì ở mức từ 6.000 – 7000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Cũng vì thế năm nay diện tích trồng dứa được mở rộng hơn các năm trước. Thời tiết thuận lợi, khiến cây dứa cũng phát triển tốt và cho năng suất cao, quả to, chín đều… hứa hẹn năm nay sẽ là một năm bội thu.
Tuy nhiên, dù mới chỉ là đầu vụ nhưng giá dứa bỗng giảm đột ngột, chỉ còn chưa bằng một nửa so với năm trước khiến người nơi đây vô cùng vô lắng. Với giá dứa hiện tại thì người nông dân chắc chắn sẽ chịu lỗ, gánh nợ sau vụ dứa năm nay.
Anh Nguyễn Văn Thanh (trú tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, hiện tại dù mới chỉ là đầu vụ nhưng giá dứa loại quả to chỉ khoảng 3.000 – 3.500 đồng/kg. Loại nhỏ chỉ khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg. Với giá như hiện tại thì mỗi ha trồng dứa người dân chắc chắn sẽ phải chịu lỗ từ 20 – 30 triệu đồng. Bản thân anh cũng như những bà con nơi đây cũng không hiểu vì lý do gì giá dứa lại rơi xuống mức thảm hại như vậy.
Khoảng 3ha trồng đã đến kỳ thu hoạch với giá như hiện tại, gia đình anh gánh chắc khoản nợ lớn, chưa kể biết bao công sức, mồ hôi đã đổ trên cánh đồng dứa. Bởi để đầu tư cho 1 ha dứa sẽ mất khoảng 60 – 70 triệu đồng, nhưng hiện tại dù năng suất cao nhưng mỗi ha dứa chỉ đem về cho người dân khoảng 40 triệu đồng. Như vậy mỗi ha dứa người dân chắc chắn phải “cõng” khoản lỗ vài chục triệu đồng.
Mặc dù giá dứa rẻ nhưng các hộ trồng dứa cũng khó bán, vì hầu hết các thương lái trên địa bàn đều không thu mua mà chủ yếu là các thương lái từ nơi khác về mua đi phân phối khắp các vùng lân cận. Những hộ không có thương lái đến thu mua nên đành tự bẻ dứa đi bán ở một số chợ, song số lượng rất ít không đáng kể vì dứa chín đại trà nên dẫn tới hư hỏng nhiều.
Theo ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: “Trên địa bàn xã, người dân trồng dứa rất nhiều, với tổng diện tích hơn 700ha. Năm ngoái dứa được mùa, nhưng không rớt giá nên bà con phấn khởi lắm. UBND xã có khuyến cáo người dân đừng mở rộng diện tích trồng dứa nữa, tránh cung vượt cầu. Nhưng người dân đâu có nghe, mạnh ai người đó trồng. Mới đầu vụ mà giá dứa đã giảm sâu như vậy, chúng tôi cũng rất lo. Hiện xã đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện để tìm đầu ra bền vững cho người dân”.
Trong khi đó, ông Đậu Đức Năm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho hay: “Nhiều năm qua, chúng tôi liên tục tuyên truyền bà con không nên mở rộng diện tích trồng dứa tự phát. Vì dứa cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, nếu cung vượt quá cầu thì giá rớt là điều không tránh khỏi”.
“Trên địa bàn và một số tỉnh lân cận có một số nhà máy đặt hàng bà con trồng dứa để làm nguyên liệu cho sản xuất nước ép hoa quả. Nhưng thời điểm này chưa vào chính vụ nên giá thấp. Hiện một số hộ dân đã đưa dứa ra chợ, xuống đường bán nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi đang liên hệ với nhà máy để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm lâu dài”, ông Năm cho biết thêm.
Nhiều hộ dân trồng dứa cho biết, các nhà máy thu mua dứa nguyên liệu ở Thanh Hóa và Ninh Bình hạn chế nhập, vì dứa ngoài Bắc cũng trồng được nhiều và được mùa; …
Hiện tại chính quyền địa phương cũng đang liên hệ với các nhà máy để tìm đầu ra ổn định cho cây dứa.
Mai Linh (t/h)