Tình trạng tồn đọng rác đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Các khối rác hỗn độn xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường làm mất mỹ quan đô thị. Hạn chế trong ý thức của một số bộ phận người dân và việc chậm xử lý của các đơn vị chức năng đang làm gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi rác gây ra. Gần đây, trên địa bàn Thành phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều các bãi rác thải tự phát "mọc" lên ngay trên các tuyến đường, ngõ ngách, thậm chí giữa các khu đô thị, gây ô nhiễm môi trường, khiến cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.
Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao Chùa Bộc – Thái Hà được UBND TP Hà Nội phê duyệt có tổng chiều dài trên 521m. Kể từ ngày khu vực này được giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công dự án, người dân tại đây phải chung sống với phế thải, rác thải, đất đá ngổn ngang. Trước cửa nhiều căn nhà đang được tháo dỡ dang dở bỗng trở thành bãi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối. Rác thải đủ loại chất thành núi chắn hết toàn bộ phần vỉa hè khiến nhiều người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Bà Nguyễn Thị Mai, người dân sinh sống tại đây cho biết: “Ở đây thì thối, cống vỡ cả ra, nước chảy hết cả lối đi, dân không còn chỗ để đi, thường xuyên bị tắc đường. Những hôm trời mưa cống tắc, vì ở đây đang thi công nên không có bên nào thông cống nên cứ mỗi lần mưa, nước ngập lên thối lắm.”
Tại khu vực phố Nguyễn Trác, Phường Yên Nghĩa (Q. Hà Đông – TP Hà Nội), các bãi rác tự phát cũng xuất hiện tràn lan dọc con phố này. Các loại rác thải chủ yếu là phế thải xây dựng và rác thải sinh hoạt từ những người dân buôn bán tại đây. Những rác thải dân sinh như vỏ dừa, dưa hấu bị vứt tùy tiện ở các gốc cây hay thậm chí là bị người dân đốt bỏ nham nhở gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Cách đó không xa cũng là bãi rác tự phát của người dân với đủ loại rác thải từ gạch đá, rau củ hay cả những mảnh kính vỡ cũng được vứt ra đây. Mặc dù có biển cấm đổ rác tuy nhiên tấm biển lại được đặt ở vị trí khá khuất so với tầm mắt của người dân nên không thực sự phát huy được tác dụng.
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức phạt của tổ chức là gấp 2 lần. Tuy nhiên, ít khi người vi phạm bị cơ quan chuyên môn phát hiện xử phạt bởi hành vi diễn ra trong giây lát, người vi phạm thực hiện việc xả rác mọi lúc, mọi nơi. Tình trạng rác thải ngổn ngang ngay giữa Thủ đô sẽ vẫn tồn tại nếu mỗi người không biết tự đặt "biển cấm" trong ý thức của chính mình.