Người dân Phú Yên thay đổi nhận thức, tích cực trồng rừng gỗ lớn

Vũ Thành|14/12/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về mật độ rừng trồng, đồng thời sử dụng các giống có chất lượng cao vào trồng rừng gỗ lớn.

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam vừa tổng kết dự án Khuyến nông trung ương giai đoạn 2020-2022 và xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận.

Nói về thực trạng trồng rừng gỗ lớn tại Phú Yên hiện nay, ThS Nguyễn Hoàng Tiệp, chủ nhiệm dự án cho biết, Phú Yên có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 276.000ha, chiếm gần 55% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, diện tích quy hoạch cho rừng trồng sản xuất là 153.000ha. Những năm qua, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất và thu mua, chế biến gỗ rừng trồng. Các chủ rừng đã áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn giống có chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng.

rung-go-lon.jpg
Cơ quan chức năng cùng người dân tham quan mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đồng Xuân

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên vẫn còn ở mức trung bình, khoảng 80-120m3/ha (trong 7-8 năm). Hiện ngành Công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh phát triển còn chậm, sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, thị trường tiêu thụ không ổn định. Để phát triển lâm nghiệp ở Phú Yên, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn; nỗ lực hình thành và phát triển vùng trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến, đồng thời đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt khoảng 20m3/năm…

Để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng và đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn, theo ông Nguyễn Hoàng Tiệp khâu giống và kỹ thuật lâm sinh có vai trò then chốt. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh có năng suất cao bằng các giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được công nhận là rất cần thiết trong việc hỗ trợ, thúc đẩy triển khai đề án trồng rừng gỗ lớn cũng như phát triển lâm nghiệp tại Phú Yên.

Được biết, những năm qua, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã tuyển chọn, lai tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, đặc biệt là các giống keo lai mô như AH1, AH7, BV71, BV75… Đây là các giống có tiềm năng và triển vọng để đưa vào trồng rừng gỗ lớn có năng suất cao, đáp ứng mục tiêu đề án trồng rừng gỗ lớn được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Bên cạnh việc chọn tạo giống mới có năng suất cao thì cây giống lâm nghiệp được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cho năng suất cao hơn hẳn so với cây được nhân giống bằng phương pháp thông thường. Vì vậy, để tạo ra đột phá về năng suất, việc áp dụng trồng rừng với giống tiến bộ kỹ thuật được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô rất có triển vọng, cho năng suất cao hơn ít nhất 25% so với các giống thông thường.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định 2962/QĐ-BNN-TCLN hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng. Đây là những cơ sở kỹ thuật quan trọng để áp dụng, triển khai vào dự án.

Nhờ có sự ủng hộ và hợp tác nhiệt tình từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh; UBND 8 xã tại nơi triển khai mô hình là Xuân Long, Xuân Quang 2, Phú Mỡ, Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), Sơn Hội, Sơn Phước và Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), Ea Trol (huyện Sông Hinh) và 98 hộ tham gia dự án, chúng tôi đã xây dựng được 150ha mô hình. Trong đó, 96ha trồng bằng dòng keo lai AH1, 50ha trồng dòng BV75, 2ha trồng dòng AH7 và 2ha trồng dòng BV71.

Dự án bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về mật độ rừng trồng, theo hướng trồng rừng có mật độ thấp hơn (1.660 cây/ha); đồng thời sử dụng các giống có chất lượng cao vào trồng rừng gỗ lớn. Tại buổi tổng kết, nhiều hộ dân tham gia dự án tỏ ra rất tâm huyết. Họ cho rằng các giống keo lai mô được trồng với kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn giúp cây sinh trưởng gấp đôi so với thông thường và cây không gặp phải những vấn đề về sâu bệnh.

Mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn có những khó khăn nhất định, chủ yếu là do tập quán của người dân trồng rừng mật độ dày (2.000-3.000 cây/ha) để bán gỗ dăm, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng giống, tuy nhiên, với sự phối hợp, hỗ trợ từ Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, UBND cấp huyện, xã, chúng tôi tin rằng dự án sẽ thành công.

Bài liên quan
  • Tìm giải pháp trồng rừng gỗ lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ
    Đại diện 5 tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã cùng đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn; đưa ra các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Người dân Phú Yên thay đổi nhận thức, tích cực trồng rừng gỗ lớn