Triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tỉnh Quảng Ninh đã trồng mới hàng trăm ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn cây keo tai tượng ở hai địa phương là huyện Ba Chẽ và Tiên Yên. Cùng với đó, tỉnh chuyển hóa được hơn 200 ha rừng cung cấp gỗ nhỏ thành gỗ lớn tại các huyện Hải Hà, Ðầm Hà, Ba Chẽ, Vân Ðồn và Hoành Bồ.
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mô hình chuyển hóa rừng keo (keo lai, keo tai tượng) cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn
Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương liên quan đang tích cực triển khai Nghị quyết “Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh” nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Là địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn nhất tỉnh với 42.500ha, TP Hạ Long đã làm việc với phường, xã có diện tích rừng để kịp thời nắm bắt các khó khăn; thành lập tổ công tác và hội đồng thẩm định phương án của các phường, xã, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, làm sai quy định, sai quy hoạch; lập biểu hướng dẫn cho các phường, xã; xây dựng Sổ tay hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng khu vực… Đến nay, thành phố có 5 xã, phường có người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn hoặc chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, tổng diện tích khoảng 142ha trong năm nay.
Huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn, quy mô 5.000ha. Theo kế hoạch năm 2021, huyện trồng 3.000ha rừng tập trung, trong đó có 650ha rừng gỗ lớn. Để hoàn thành kế hoạch, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND sẽ bổ sung nguồn lực, kinh phí, hỗ trợ cho địa phương. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị, phòng, ban liên quan tuyên truyền về Nghị quyết, đăng ký trồng rừng gỗ lớn theo chính sách, chủ động cây giống… Đến nay huyện có 7 xã đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn, diện tích 304,6ha.
Tuy nhiên, chưa có danh mục các loại cây gỗ lớn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; trồng rừng gỗ lớn cần thời gian tối thiểu 10 năm mới cho thu hoạch, khiến các hộ dân gặp khó khăn về kinh tế; nhiều hộ còn băn khoăn về tiêu chí xác định cây gỗ lớn, quy trình trồng và khai thác, đầu ra cho sản phẩm của cây gỗ lớn. Đối với các hộ dân ở lưu vực lòng hồ Yên Lập, nhiều hộ không có nhu cầu tham gia và chuyển hóa rừng, do diện tích rừng khá nhỏ, chỉ khoảng 2ha, phải vận hành theo cơ chế của rừng phòng hộ, nên tỷ lệ khai thác chỉ được 30%.
Có thể thấy, những kết quả bước đầu trong chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của Quảng Ninh đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới, hải đảo về giá trị của rừng trồng gỗ lớn. Thông qua việc chuyển đổi này đã có rất nhiều hộ dân vận dụng kiến thức để áp dụng vào sản xuất và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sản xuất gỗ lớn. Ðây cũng là động lực góp phần để Quảng Ninh cùng các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.
Minh Kiên