Người nước ngoài hòa mình vào không khí đón Tết tại Việt Nam

Cẩm Anh|13/02/2024 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Không giống như nhiều nước phương Tây, Việt Nam đón năm mới theo lịch âm của người phương Đông. Phong tục và văn hóa đón năm mới của người Việt cũng rất đặc sắc khiến cho nhiều người nước ngoài cảm thấy thích thú.

Đối với người Việt, tết Nguyên đán là khoảng thời gian đặc biệt, là thời điểm mà mọi người quây quần đông đủ bên nhau cùng đón chào năm mới với nhiều niềm vui và lời chúc may mắn. Dịp tết Nguyên đán không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt mà còn để lại trong lòng người nước ngoài những ấn tượng khó phai.

5-tr54.png
Anh Joey đón Tết cùng gia đình vợ tại Việt Nam

Người nước ngoài đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, dù đang sinh sống, làm việc, hay chỉ là ghé thăm thì đây là thời điểm mà họ có thể nhìn thấy một hình ảnh rất khác của đất nước Việt Nam.
Tết cổ truyền Việt Nam với bản sắc riêng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với những người bạn ngoại quốc khi có dịp trải nghiệm dịp lễ đặc biệt này. Họ được tận hưởng không khí nô nức, phấn khởi của ngày Tết, cảm nhận được tình cảm gắn bó, đong đầy tình thân của các thành viên gia đình trong những ngày Xuân sum họp.

Anh Joey, một người Mỹ chia sẻ những hình ảnh anh đón Tết cùng gia đình vợ tại Việt Nam và cho biết không khí đón Tết ở Việt Nam thật sự rất đặc biệt. Các gia đình tại Việt Nam thường có thói quen tập trung tại nhà bố mẹ, các anh, chị em cùng con cái cháu chắt dù có ở xa đến đâu cũng sẽ tập trung tại nhà bố mẹ trong những ngày Tết. Phụ nữ trong nhà thường đảm nhận công việc đi chợ, mua sắm đồ đạc, sau đó con cháu quây quần bên nhau gói bánh chưng, người thì lau lá, người thì gói bánh, người thì cuộn nem rán. “Đây cũng là món mà tôi thấy vô cùng ngon và rất thích” – anh Joey chia sẻ. Còn đàn ông thì sẽ đảm nhận vai trò dọn dẹp, trang trí nhà cửa, luộc bánh chưng và phụ trách những công việc nặng nhọc hơn.

Bên cạnh đó, những ngày Tết, hình ảnh mọi người sum họp bên cạnh nhau, ăn uống, hát hò, ôn lại những câu chuyện cũ thật sự rất ấm áp. Anh đặc biệt thích nghe những câu chuyện đón Tết cổ xưa của người Việt và cùng nhau ước nguyện cho một năm mới tốt đẹp, hạnh phúc bình an đến tất cả các thành viên trong gia đình.

Những ngày đón Tết ở gia đình vợ, anh lựa chọn mặc áo dài, trang phục truyền thống nam của người Việt. Anh chia sẻ, khi mặc trang phục truyền thống của Việt Nam, hòa mình vào không khí đón Tết, anh cũng cảm thấy mình là một người Việt. Anh cho biết thêm, bản thân cũng đến tham gia Hội Làng để trải nghiệm văn hóa các Lễ hội được diễn ra vào dịp Tết tại Việt Nam. Anh cảm thấy không khí đón Tết ở Việt Nam vô cùng náo nhiệt và sôi động không hề thua kém các nước phương Tây, là những nơi có văn hóa đón Tết nhộn nhịp.

Nói về sự khác biệt giữa phong cách đón Tết ở Mỹ và Việt Nam, anh Joey cho biết, ở Việt Nam mọi người có xu hướng đến nhà nhau để sum vầy vào đầu năm hơn là đổ ra đường đi chơi như ở Mỹ. Người Mỹ thường không đến nhà nhau chơi vào dịp năm mới mà thường sẽ cùng nhau đi chơi ở bên ngoài, đặc biệt là sẽ cùng nhau đổ ra đường vào thời khắc Giao thừa và hô vang khẩu hiệu “Chúc mừng năm mới!” để chào đón một năm mới đến.

Chị Amanine, quốc tịch Pháp chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên du lịch tới Việt Nam vào đúng dịp tết Nguyên đán năm 2016. Chị cho biết: "Đó là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam du lịch, lúc đặt chân tới Hà Nội tôi đã bị sốc vì những ngày Tết, ngoài đường hầu như không có một ai cả, các hàng quán, siêu thị hầu như đều đóng cửa. Sau này, tôi mới biết đó là do lượng người trở về quê, về với gia đình họ gần như là 100%, văn hóa của người Việt Nam - Tết là thời điểm dù cả năm qua bạn có bận rộn với công việc ở đâu thì cũng sẽ gác hết lại để quay trở về nhà".

5-tr-55.png
Anh Joey mặc trang phục truyền thống của VIệt Nam

Sau này có dịp quay trở lại Việt Nam để thưởng thức trọn vẹn cái Tết của người Việt, Amanine đã có cơ hội được tự tay chuẩn bị một cái Tết chuẩn văn hóa của người Việt khi được đón Tết cùng gia đình người bạn Việt Nam của chị. Amanine đã cùng mẹ của người bạn Việt Nam đi chợ hoa mua đào và quất, chị đã được mọi người dạy cho cách chọn hoa đào, cây quất và chị kể rằng chị còn biết mặc cả giá nữa. Chị còn được mọi người ở Việt Nam dạy cách gói bánh chưng và muối dưa hành. Chị chia sẻ, người Việt Nam vô cùng thân thiện và hiếu khách dù họ không thật sự hiểu chị đang nói gì. Vì tôi cũng không giỏi tiếng Việt cho lắm, thế nhưng các cô chú, các bác gia đình người Việt vẫn rất nhiệt tình dạy tôi gói bánh chưng làm sao cho đẹp, cho vừa vặn.

Chị cũng được những người mẹ Việt Nam kể cho nghe về những phong tục đón Tết truyền thống của người Việt Nam như ngày cuối năm mọi người thường sẽ tắm rửa bằng nước cây mùi già để thanh tẩy những điều không may mắn của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Tiếp đến là ngày đầu năm mới gọi là ngày Mùng 1 Tết, không được quét nhà, đánh vỡ bát đĩa, không mặc đồ trắng, ... vì những điều đó thể hiện năm mới sẽ gặp những điều không may mắn. Chị cũng thấy mâm cỗ cúng Giao thừa của Việt Nam được chuẩn bị rất cầu kỳ và cẩn thận, chị thấy phụ nữ Việt Nam đều là những người phụ nữ vô cùng khéo léo và tài giỏi.

Trong ký ức của Amanine, dù đã đi nhiều quốc gia và đón năm mới tại nước họ, thế nhưng chị vẫn ấn tượng nhất đối với phong tục đón năm mới của người Việt. Chị luôn cảm nhận được tinh thần vui vẻ đón chào tương lai cùng tình yêu thương mà mọi người dành cho nhau. Người bạn Việt Nam của chị có dạy chị một câu tiếng Việt đó là: “Nhà là nơi cơn bão dừng sau cánh cửa”, lúc đó chị không hiểu ý nghĩa của câu này lắm, nhưng sau khi sống cùng gia đình người Việt trong dịp Tết chị đã hiểu được ý nghĩa của câu nói đó và cũng hiểu vì sao dịp Tết đến dù có bận rộn thế nào mọi người cũng sẽ trở về nhà.

Mỗi quốc gia, dân tộc đều có những dịp lễ truyền thống, trong đó mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Với tết Nguyên đán của người Việt Nam, không chỉ để lại trong lòng người nước ngoài những cảm xúc thú vị về sự đoàn kết, sum vầy mà còn là sự trải nghiệm khó quên về phong tục cổ truyền của người Việt.

Tết cổ truyền của Việt Nam là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng, gắn bó với mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn chính là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau; góp phần tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lòng bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam giàu văn hóa, thân thiện và hiếu khách.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng bảo đảm môi trường sạch, đẹp để đón Tết
    Nhằm đảm bảo môi trường dịp tết Nguyên đán, Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch đến các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc sẵn sàng bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ trên địa bàn phụ trách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nước ngoài hòa mình vào không khí đón Tết tại Việt Nam