Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của Việt Nam từ bao đời nay, đây là dịp để tất cả mọi người dù ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ muốn quay về bên gia đình, cùng nhau trải qua những khoảnh khắc đón năm mới thiêng liêng và ấm áp. Thế nhưng với những du học sinh, cộng đồng người Việt hiện đang học tập và sinh sống tại nước ngoài, cái Tết ở nơi xa xứ khiến họ có nhiều cảm xúc bồi hồi hơn hẳn.
Chị Ngọc Thùy Linh (24 tuổi, quê ở Hà Nội) hiện đang sinh sống tại Tokyo – Nhật Bản cho biết, đây đã là năm thứ 5 chị đón Tết ở nơi xa xứ. Được biết, khác với các nước Châu Á khác đón Tết theo lịch âm thì từ năm 1873, Thiên hoàng Minh Trị đã quyết định bỏ lịch âm và dùng lịch dương để phù hợp hơn với các nước phương Tây, chính vì vậy mà hiện nay, Nhật Bản đã đón năm mới vào ngày 01/01 hàng năm theo lịch dương. Do khác biệt về văn hóa đón năm mới nên hiếm khi chị có thể trở về Việt Nam đón Tết cùng gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đón Tết của những người xa xứ, chị cho biết gần đến ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, bất cứ người con đất Việt nào cũng đều có chung một tâm trạng là cảm giác chạnh lòng vì nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ không khí đón Tết ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù không thể trở về Việt Nam đón năm mới thì cộng đồng người Việt ở Nhật Bản vẫn giữ được bản sắc đón Tết của quê hương, mọi người đều cảm thấy háo hức khi năm mới đang cận kề.
Chị Linh cho biết, sát những ngày Tết, dù vẫn bận rộn với công việc hàng ngày, song chị và bạn bè vẫn dành thời gian để mua sắm, trang trí nhà cửa theo phong cách Việt Nam để có không khí đón Tết như ở quê nhà. Cộng đồng người Việt tại đây cùng nhau đi chợ mua hoa đào, cây cảnh để trang trí nhà cửa, cùng nhau bày biện mâm ngũ quả, nấu những bữa cơm mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam như: Bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, gà luộc, canh măng, … để dâng lên tổ tiên từ phương xa. Đặc biệt, nếu như có nhiều thời gian mọi người còn cùng nhau đi tìm và mua nguyên liệu về tự gói bánh chưng.
“Thật ra bánh chưng gói sẵn cũng có, được bày bán cũng khá nhiều tại các cửa hàng, nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam, thế nhưng hầu hết mọi người đều thích tự gói bánh chưng, người thì rửa lá, cắt lá dong, người thì thổi đỗ, vo gạo, người thì thái thịt, ướp thịt,… mỗi người một chân một tay, vừa làm vừa cười nói vui vẻ, khiến cho mọi người cảm nhận được không khí Tết cổ truyền dù đang ở nước ngoài.”, chị Linh cho biết.
Bên cạnh đó, chị Linh cũng chia sẻ, dù bản thân chị và bạn bè có bận rộn với công việc hàng ngày thì đến ngày 30 Tết mọi người đều cùng nhau xin nghỉ để dành ngày cuối năm này quây quần bên nhau, cùng nhau nấu mâm cỗ tất niên, nâng ly chúc mừng nhau, cùng nhau hướng về Việt Nam, nhìn lại một năm đã qua và cầu chúc cho một năm mới với những điều may mắn nhất sẽ đến với gia đình, bản thân và bạn bè.
Ngoài ra, các lễ hội và sự kiện chào đón Tết truyền thống của Việt Nam cũng được cộng đồng người Việt tổ chức tại Nhật Bản, thường là vào dịp cuối tuần, để mọi người dễ dàng sắp xếp thời gian, công việc mà đến tham dự đông đủ. Hội chợ Tết Việt Nam được tổ chức hoành tráng, đông vui với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, ca nhạc đậm chất Xuân quê hương.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về sự khác biệt khi đón Tết giữa hai đất nước, chị Linh cho biết, vì đón Tết theo lịch dương nên kỳ nghỉ Tết của người Nhật cũng không kéo dài. Người Nhật đón năm mới cũng không quá rầm rộ và sôi nổi như ở Việt Nam. Họ không nấu nhiều thức ăn và có mâm cỗ truyền thống như ở Việt Nam, bên cạnh đó người Nhật cũng không có phong tục tới nhà nhau thăm hỏi và chúc Tết như ở Việt Nam. Đến năm mới, họ thường cùng bạn bè hoặc gia đình đi chùa để cầu bình an, vạn sự như ý.
Cũng giống như chị Linh, chị Nguyễn Tú Mai (25 tuổi, quê ở Hà Nội), hiện đang là du học sinh tại Vũ Hán, Hồ Bắc – Trung Quốc chia sẻ, vì đều cùng đón Tết theo lịch âm nên tết Nguyên đán của người Trung Quốc cũng được nghỉ khá dài giống Việt Nam. Tuy nhiên, vì sau khi nghỉ Tết, học sinh sẽ ngay lập tức phải quay trở lại trường học nên dù không vướng bận việc học chị và nhiều du học sinh Việt Nam khác cũng lựa chọn ở lại Trung Quốc đón Tết.
Chị Mai cho biết, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng thế nên để chuẩn bị được một mâm cỗ đón Tết là điều không quá khó khăn. Cũng giống như nhiều người xa xứ khác, chị cùng các bạn cũng chuẩn bị mâm cỗ tất niên thịnh soạn với nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam. Có rất nhiều bạn bè quốc tế khi thưởng thức những món ăn trong ngày Tết mà chị và bạn bè chuẩn bị đã bình chọn nem rán là món ngon nhất mà họ từng thử từ trước đến nay. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ cùng nhau trang trí và viết câu đối để treo trước cửa nhà.
Sau khi ăn bữa cơm tất niên cùng nhau, mọi người sẽ cùng nhau đốt pháo bông và đếm ngược khoảnh khắc tới giao thừa. Khi giao thừa qua đi, chị cùng các bạn sẽ trở về ký túc xá và chuẩn bị những phong bao lì xì đỏ để buổi sáng sẽ đi mừng tuổi cho bạn bè, đây được xem là những nét văn hóa tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất thì mọi người sẽ cùng nhau đi dâng hương, lễ chùa. Những ngày đầu năm mới, lượng người tới các ngôi đền, chùa tại Trung Quốc gia tăng đáng kể khiến cho không khí tại đây náo nhiệt. Ai cũng đem tới lòng thành tâm cầu xin cho bản thân và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều du học sinh đến từ các quốc gia khác trên thế giới cùng đón Tết cổ truyền Việt Nam với chị và các bạn Việt Nam, từ đó chị có thể quảng bá văn hóa, ẩm thực và bản sắc chào đón năm mới của Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Người Việt trên toàn thế giới ngày ngày cố gắng làm việc hi vọng có một tương lai tươi sáng. Họ vẫn luôn giữ gìn hương vị Tết, trong lòng luôn mong một ngày không xa sẽ về đoàn tụ với gia đình.