Phong tục lì xì ngày Tết của người Việt

Hồng Tú|10/02/2024 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc trong tết Nguyên đán. Mặc dù cách đón Tết nay và Tết xưa đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lệ này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

li-xi-1.jpg
Phong tục lì xì là một nét văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền tới tận ngày nay của người Việt

Nguồn gốc, ý nghĩa của phong tục lì xì

Lì xì là một tục lệ vào dịp tết Nguyên đán ở Việt Nam và các nước Á Đông, tục lệ này bắt nguồn từ Trung Quốc thời xa xưa.

Truyền thuyết kể lại rằng, vào đêm giao thừa yêu quái thường xuất hiện. Yêu quái này có sở thích xoa đầu trẻ em khi đang ngủ ngon khiến chúng trở nên ngớ ngẩn hoặc bị sốt cao. Đó là lý do những gia đình có trẻ em thường phải thức trắng đêm canh chừng yêu quái không cho làm hại chúng. Một ngày nọ, có 8 vị tiên trên trời đi ngang qua và bắt gặp cảnh yêu quái xoa đầu trẻ nhỏ nên đã hóa thành các đồng tiền nằm cạnh những đứa trẻ. Cha mẹ của chúng gói gọn các đồng tiền này vào tấm vải đỏ nhằm xua đuổi yêu ma quỷ quái. Phép lạ này lại có hiệu quả rất lớn. Những đồng tiền đó sẽ lóe lên mỗi khi yêu quái đến khiến chúng bỏ chạy trong hoảng sợ.

Theo thời gian, câu chuyện này truyền đi khắp các con đường, ngõ nhỏ. Từ đó, cứ đến mỗi dịp Tết người dân thường bỏ tiền vào túi màu đỏ rồi tặng cho trẻ em với mong muốn chúng khỏe mạnh và chóng lớn. Đây chính là ý nghĩa của hành động lì xì vào đầu năm mới.

Đối với người Việt, đây được xem là một phong tục tốt đẹp khi gửi gắm các mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến. Người ta thường lì xì trong suốt ba ngày đầu năm mới hoặc có thể kéo dài đến mùng Mười ngày Tết. Người Việt quan niệm rằng mọi thành viên trong gia đình sẽ tề tựu, quây quần bên mâm cơm vào sáng mùng Một Tết. Sau đó, họ sẽ chúc nhau những lời chúc Tết tốt đẹp và đi đến nhà bạn bè, người thân xung quanh để chúc Tết.

Vào những ngày đầu năm mới, con cháu sẽ chúc thọ ông bà, bố mẹ. Ông bà sẽ lì xì cho con cháu, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau. Khi con cháu bạn bè và con cháu họ hàng nhỏ tuổi đi đến chúc Tết gia đình khác sẽ được chủ nhà lì xì với số tiền ít nhiều tùy vào điều kiện kinh tế riêng. Và khách cũng sẽ lì xì cho con cháu của chủ nhà.

Một phong bao lì xì lấy lộc đầu năm dù chứa bao nhiêu tiền cũng đều là món quà tinh thần to lớn trong dịp đầu năm mới. Đồng thời cũng là nét văn hóa tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay. Bạn có thể mừng tuổi bằng quà hoặc tiền nhưng quan trọng nhất là mặt hình thức.

Những điều cần lưu ý khi lì xì trong dịp Tết

Không lì xì tiền số lẻ

Người xưa vẫn quan niệm rằng những điều tốt đẹp và may mắn thì thường đi đôi với nhau nên mọi người luôn luôn mừng tuổi một số tiền chẵn. Bên cạnh đó, những con số lẻ còn được quan niệm rằng tượng trưng cho sự lẻ loi, tách biệt nên cũng không mang lại những điều tốt đẹp vào dịp năm mới.

Không sử dụng tiền cũ

Dịp Tết là dịp năm mới mà năm mới thì phải luôn đi đôi với những điều mới mẻ, tốt đẹp. Chính vì vậy mà khi lì xì bạn cũng nên chọn những tờ tiền phẳng phiu, không cần quá mới nhưng cũng không được nhàu nát, nhăn nheo. Lì xì tiền cũ vừa thể hiện sự thiếu tinh tế, lịch sự của người tặng lại vừa không đúng với ý nghĩa trao đi những điều mới mẻ tốt đẹp của việc lì xì.

Không nhận lì xì bằng một tay

Dù là người lớn tuổi hay trẻ nhỏ khi được người khác lì xì hay mừng tuổi cũng đều nên nhận bằng hai tay để thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người đã gửi gắm lời chúc đến mình.

Bài liên quan
  • Từ “Tết trồng cây” của Bác Hồ nghĩ đến việc bảo vệ môi trường
    Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam trên mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, Người để lại cho chúng ta những bài học còn nguyên giá trị đến ngày nay và mãi mãi về sau. Trong đó, có lĩnh vực môi trường và công tác bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phong tục lì xì ngày Tết của người Việt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.