Nguy cơ động đất – sóng thần tái diễn ở Đông Nam Á

Văn Việt/Nông Nghiệp|13/10/2018 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VN – Thảm họa kép động đất – sóng thần như những gì xảy ra với đảo Sulawesi, Indonesia, cách đây hai tuần có thể tái diễn tại Đông Nam Á và gây nhiều thiệt hại.

Indonesia: Dừng tìm kiếm nạn nhân mất tích sau thảm họa kép

Quảng Ninh: Sụt hầm lò tại công ty Than Uông Bí, 3 người thương vong

Một khu vực bị sóng thần tàn phá tại Palu, Sulawesi, Indonesia. Ảnh: AP

Trận động đất mạnh 7,5 độ cùng sóng thần đổ bộ đảo Sulawesi hôm 28/9 đã làm hơn 2.000 người thiệt mạng, tính đến ngày 9/10, và có thể còn tới 5.000 nạn nhân chưa được tìm thấy bởi hầu hết đều bị chôn vùi trong bùn.

Thảm họa này có thể lặp lại với Indonesia, quốc gia quần đảo nằm trên điểm nóng của hoạt động địa chất, theo nhà địa chất học Kerry Sieh, giám đốc Trạm quan sát Trái Đất tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Cụ thể, Sieh dự đoán đảo Sumatra hứng chịu một trận động đất mạnh 9 độ trong vòng 15 – 20 năm tới.

Trong địa chất, những nơi vỏ Trái Đất bị nứt do các mảng kiến tạo dịch chuyển được gọi là “đứt gãy”. Sunda, đoạn đứt gãy dài 5.500 km, nằm ở phía tây Sumatra, một trong những đảo chính của Indonesia.

Từ những năm 1990, Sieh đã sử dụng san hô để thống kê các trận động đất tại khu vực trong vòng 1.000 năm trước đó. Ông phát hiện các trận động đất mạnh xảy ra sau mỗi 230 năm. “Chúng xảy ra theo nhóm. Do đó, sẽ không có gì xảy ra trong 200 năm và rồi ‘bụp, bụp, bụp’ – hai hoặc ba trận động đất lớn xuất hiện”, Sieh nói.

Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ xảy ra ngày 26/12 kéo theo đợt sóng thần làm ít nhất 160.000 người chết tại tỉnh Aceh trên đảo Sumatra. Đây là sự khởi đầu và đã có thêm hai trận động đất khác ở Sunda, chỉ còn một phần đứt gãy này chưa “bụp”. “Chúng tôi gọi phần đó là Gián đoạn Mentawai – bởi động đất chưa xảy ra tại đây”, theo Sieh. Gián đoạn Mentawai ở phía tây Sumatra, trải dài 400 km từ đường xích đạo về phía nam, gần Padang, thủ phủ tỉnh West Sumatra với dân số 1 triệu người.

Năm 2008, Sieh công bố tài liệu về Sunda. Nhóm của ông đã lắp đặt các thiết bị GPS, để đo lường trạng thái dọc đứt gãy, và thiết bị địa chất để theo dõi mọi thay đổi. Họ còn tiếp cận nhiều cộng đồng dân cư gần đó để cảnh báo về nguy cơ sóng thần, hướng dẫn người dân cách ứng phó. Tuy nhiên, những cộng đồng này lại triển khai rất ít biện pháp đề phòng. “Chúng tôi gọi đây là dặm cuối cùng không bao giờ thực hiện”, Sieh nói. “Dặm cuối cùng trong cuộc marathon – giữa thu thập, diễn giải các bằng chứng khoa học và ứng dụng vào thực tế để giúp xã hội, các cộng đồng an toàn hơn – chưa bao giờ xảy ra”.

“Về cơ bản, thế giới không tận dụng thông tin của chúng tôi. Họ không hỗ trợ đủ để chúng tôi thu thập thông tin nhanh hơn. Chúng tôi có thể dự đoán sẽ có thêm nhiều Palu”.

Thảm họa Palu

Thảm họa Palu bắt đầu bằng một trận động đất mạnh 6,1 độ gần bờ biển miền trung Sulawesi, cách Palu 55 km về phía bắc, vào khoảng 15h ngày 28/9. Tiếp đó, một trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra lúc 18h xa hơn về phía bắc tạo ra sóng thần ập vào Palu. Mặt đất “hóa lỏng”, biến thành bùn, nuốt chửng hoàn toàn các khu dân cư.

Hai tuần sau, lực lượng cứu hộ vẫn thu thập thi thể các nạn nhân và phát cảnh báo y tế vì họ nghi ngờ còn rất nhiều thi thể đang phân hủy bị chôn vùi. Cứu trợ đến chậm do hạ tầng bị phá hủy và sân bay Palu nhỏ. Người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia được yêu cầu từ chức. Cơ quan này bị cáo buộc đã gỡ cảnh báo sóng thần ngay trước thảm họa và nhiều thiết bị theo dõi, dự báo thảm họa không được duy trì, một số hỏng từ năm 2012.

Theo Sieh, đứt gãy gây động đất đã được nhắc đến bởi một nhà nghiên cứu tại Viện Bandung về Công nghệ nhưng không ai xem xét tần suất đứt gãy hoạt động hay lần gần nhất động đất xảy ra khi nào. Nhà khoa học không thể chắc chắn về thời điểm và địa điểm động đất xảy ra nhưng họ có thể xác định đứt gãy nào đang chịu áp lực lớn nhất hay sắp bùng phát.

“Nếu cộng đồng khoa học địa chất nhiều hơn gấp 10 lần và được tài trợ tốt hơn 10 lần, chúng tôi sẽ làm nhanh hơn 10 lần nhưng dường như đây không phải mối quan tâm của xã hội”, theo Sieh. Trạm quan sát Trái Đất tại Đại học Công nghệ Nanyang thường dành 15% ngân sách thường niên để tiếp cận – truyền đạt nghiên cứu tới chính phủ, các ngành công nghiệp, cộng đồng và sinh viên.

Cần hành động thế nào?

Sieh nêu ra ba yếu tố tạo ra thảm họa ở Palu gồm động đất, sóng thần và đất hóa lỏng. Tại những khu vực có nguy cơ xảy ra động đất cao, chính phủ sở tại đã định vị các đứt gãy và vùng ảnh hưởng, thuyết phục người dân di chuyển ra xa, như ở California, Mỹ.

Khi Hilo, Hawaii, phải hứng chịu ba đợt sóng thần trong vòng 18 năm, bang này biến vùng ven biển bị ảnh hưởng thành công viên. Tại tỉnh Aceh, dù khẩu hiệu là “tái thiết tốt hơn trước”, giới nhà giàu lại chuyển sâu vào trong đất liền, chỉ còn nhóm người nghèo ở gần bờ biển. Các thành phố khác nhau có quyết định khác nhau phụ thuộc vào quan điểm riêng. “Rất khó hành động để bảo vệ bản thân, cộng đồng trước thứ chỉ xảy ra mỗi 100 năm”, Sieh nhận định.

Sieh cho rằng chính quyền địa phương cần tập trung vào giáo dục, đặc biệt là tại những cộng đồng dễ bị thiệt hại. “Tuyên truyền cho họ rằng nếu họ đang trên bãi biển và cảm thấy một trận động đất mạnh, hãy chạy lên cao nhanh nhất có thể”, Sieh nói. “Hãy bỏ qua những thứ đồ cao siêu và bắt đầu bằng giáo dục”.

Ngoài ra, những vùng dễ xảy ra động đất cần điều chỉnh quy định xây dựng để tạo ra những kiến trúc vững chắc hơn, khảo sát nguy cơ đất hóa lỏng. Những thành phố ven biển có thể xây tường chắn sóng thần hoặc cổng có thể đóng trong 10 phút để ngăn nước.

Văn Việt/Nông Nghiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nguy cơ động đất – sóng thần tái diễn ở Đông Nam Á
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.