Hội thảo đã chia sẻ các kết quả, bài học từ các mô hình được triển khai tại 05 thành phố. Các đại biểu cũng đã trao đổi với các bên liên quan để duy trì, phát triển các kết quả của dự án và xây dựng các kế hoạch tiếp theo.
Dự án "Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố" nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương. Dự án được triển khai bởi các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost. Ngoài các mô hình tại 05 thành phố, Dự án cũng đã hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua việc hoàn thiện chính sách và kêu gọi các bên tham gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Sau ba năm thực hiện, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những hạn chế đi lại, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm mô hình quản lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả đã được phát triển tại năm thành phố. Nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. Hơn 100 quy định quy định với doanh nghiệp được thông qua về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững đã được thông qua. Hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được đồng thành lập và thực hiện bởi UNDP và Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE). Năng lực thể chế của chính quyền địa phương và các bên liên quan đã được nâng cao thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP cho biết: “Công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro, chẳng hạn như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế. Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diễn rõ rang trong hệ thống quản lý chất thải. Chúng tôi đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ và thành lập năm quỹ tín dụng nhỏ, tất cả điều này dẫn đến thu nhập của họ tăng lên ít nhất 20% so với trước dự án".
Ông Patrick Haverman cũng chia sẻ rằng: UNDP đã công bố một dự án giai đoạn 2 tại Quy Nhơn, dựa trên các bài học kinh nghiệm từ dự án này. "Cơ sở Thu hồi vật liệu sắp tới sẽ bao gồm và nâng cao vai trò, đóng góp của những người làm công tác xử lý chất thải phi chính thức trong chuỗi giá trị nhựa và chất thải, đồng thời thí điểm các mô hình quản lý chất thải trong ngành thủy sản, nhằm mang lại kết quả lớn hơn và tăng cường khả năng chống chịu của nhóm người này."
Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nói: “Na Uy hoan nghênh và đánh giá cao cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề quản lý chất thải và rác nhựa đại dương. Ngoài các dự án như chương trình năm thành phố này, chúng ta cần một thỏa thuận toàn cầu với các quy tắc toàn cầu để ngăn chặn dòng chảy ô nhiễm nhựa. Dựa trên quyết định tại cuộc họp về môi trường của Liên Hợp Quốc vào tháng 3 năm nay, có cơ hội để phát triển một hiệp ước về nhựa có hiệu lực vào cuối năm 2024. Chúng ta cần thiết lập các quy tắc chung toàn cầu mà sẽ hạn chế nhu cầu nhựa ở mức bền vững, tạo điều kiện cho nền kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người và ngăn chặn sự rò rỉ nhựa vào tự nhiên”.