Trước khi xả, nước thải vốn được sử dụng để làm mát nhiên liệu hạt nhân nóng chảy tại nhà máy đã được đưa qua một hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến nhằm loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ ngoài tritium. Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý là bước quan trọng nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1, sau trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011.
Theo đó, ngày 17/5, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản bắt đầu tiến hành đợt xả thứ 6 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.
Đợt xả thải lần này kéo dài đến ngày 4/6, TEPCO có kế hoạch xả 7.800 tấn nước thải. Công ty cho biết nồng độ phóng xạ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đặt ra.
Tính đến hết tháng 3/2025, TEPCO có kế hoạch xả tổng cộng khoảng 54.600 tấn trong 7 đợt xả trong tài khóa hiện nay. Kể từ khi bắt đầu xả nước thải vào ngày 24/8/2023 đến nay, công ty đã xả khoảng 39.000 tấn nước thải nhiễm phóng xạ ra biển.
Trong 5 đợt xả trước, TEPCO cho biết lượng phóng xạ tritium được ghi nhận là 29 becquerel tritium trên mỗi lít nước biển, trong các mẫu lấy từ các khu vực gần nhà máy. Con số này thấp hơn nhiều so với giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 becquerel/lít đối với nước uống.