Nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo Lao Động|20/07/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Gia tăng nhiều trận lũ lụt, sạt lở đất và động đất là những thách thức mà các tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm nay.

Gia tăng loại hình thiên tai phức tạp, nguy hiểm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), với khoảng 10,6 triệu người thuộc 30 dân tộc anh em sinh sống, sản xuất của người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối…

Vào mùa mưa khu vực này tập trung hơn 80% lượng mưa; vì vậy thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông,… được xây dựng để phát triển kinh tế – xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu cho hay, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu gắn kết, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện xuống cấp, thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình là những thách thức trong ứng phó thiên tai của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc hiện nay; trong đó nhất là kinh phí vật chất và các trang thiết tiện đảm bảo cho hoạt động “4 tại chỗ” để khi có tình huống xấu xảy ra có thể ứng xử tốt nhất.

Nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm từ nay đến cuối năm. Ảnh: Văn Giang

Nâng cao năng lực tự ứng phó

Theo ông Quàng Văn Việt – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, đến nay tỉnh Lào Cai đã thiết lập được 52 trạm quan trắc, cảnh báo và dự báo thời tiết, thiên tai.

Tuy nhiên, trước diễn biến của thời tiết hết sức phức tạp, khó lường để làm tốt công tác phòng ngừa, việc xác định yếu tố dự báo, cảnh báo thời tiết thiên tai đặc biệt quan trọng, nhất là phải thông tin và trang bị kiến thức ứng phó thiên tai đầy đủ cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao.

“Quan trọng nhất là trước, trong và sau thiên tai người ta phải làm gì. Cụ thể là người chồng làm gì, người vợ làm gì. Khi sơ tán thì đi đâu, chạy hướng nào. Nhà mình ngập thì chạy sang nhà nào; sạt lở thì chạy lên chỗ nào an toàn. Đó là việc người dân cần và phải được tuyên truyền” – ông Quàng Văn Việt nói.

Theo Lao Động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa các tỉnh miền núi phía Bắc