Trong đó, 2 trường hợp nặng nhất trong thời gian gần đây là bệnh nhi Nguyễn Tiến D. (10 tuổi, Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh) và bệnh nhi Phạm Việt H. (11 tuổi, Yên Thanh, Uông Bí, Quảng Ninh) đều nhập viện do ong vò vẽ đốt.
Một trong hai bệnh nhi biến chứng nặng được điều trị tại bệnh viện
Theo lời kể của gia đình, trong lúc vui chơi tại nhà cả 2 trẻ đều không may bị ong vò vẽ đốt. Bệnh nhi D. nhập viện với 6 nốt ong đốt, trong đó có 1 nốt vùng đùi và 5 nốt vùng đầu. Bệnh nhi H. nhập viện với 4 nốt đốt (1 nốt vùng má và 3 nốt vùng đầu). Các nốt bị ong đốt đỏ, sưng đau nhiều, một số nốt đốt đang có biểu hiện loét nhẹ.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Các bệnh nhi được chẩn đoán ong vò vẽ đốt có rối loạn đông máu, hạ kali.
BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: đây là hai trường hợp có biến chứng phức tạp sau khi bị ong vò vẽ đốt với bệnh lý rối loạn đông máu, hạ Kali dù chỉ có dưới 10 nốt đốt. Các ca thông thường, bệnh nhân sẽ gặp biến chứng nếu có trên 10 nốt đốt. Nếu có 20 nốt đốt trở nên, tình trạng bệnh sẽ rất nặng.
Sau gần một tuần điều trị bằng các biện pháp tích cực như truyền huyết tương, kháng sinh, chống viêm, bù điện giải,…, sức khỏe của 2 bệnh nhi hiện đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, tai nạn ong đốt rất thường gặp ở trẻ em vào mùa hè do bản tính hiếu động của trẻ.Các vết đốt có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong do sốc phản vệ, không phụ thuộc số lượng ong đốt. Riêng vết đốt của ong vò vẽ có thể gây suy thận, tán huyết, suy hô hấp, suy đa cơ quan.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong, tổ ong và những nguy hiểm mà đặc biệt là các dấu hiệu triệu chứng đau khi bị đốt. Cần căn dặn trẻ tuyệt đối không được chơi gần nơi có tổ ong và trêu chọc phá tổ ong. Khi bị ong đốt, trẻ cần được theo dõi và đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe trẻ khi bị ong đốt.
Tú Anh (T/h)