Những địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân nổi tiếng ở Thanh Hóa

Nguyễn Trường|30/01/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thanh Hóa được xem là một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, là nơi có 7 dân tộc anh em sinh sống gồm Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú. Chính điều đó đã tạo nên bức tranh văn hóa riêng biệt, đa sắc màu cho vùng đất này. Hơn nữa, Thanh Hóa cũng là nơi hội tụ nhiều điểm du lịch tâm linh giàu tính lịch sử, rất phù hợp cho các hoạt động du xuân, cầu may đầu năm.

Dưới đây là một số địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân ở Thanh Hoá mà bạn có thể cùng gia đình, bạn bè đến trải nghiệm để tận hưởng khoảng thời gian thật thanh tịnh, an yên trong những ngày đầu năm mới.

Hồ Cửa Đạt

Hồ Cửa Đạt là quần thể di tích nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 60km về hướng Tây. Hồ thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, vào đầu tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đền Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc, cầu tài. Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt. Theo sử sách, Danh nhân Cầm Bá Thước, sinh ra ở huyện Thường Xuân, một trong những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương, hi sinh khi mới 37 tuổi. Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa Thượng Ngàn, sinh vào thời nhà Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh. Tưởng nhớ công ơn của Danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, Nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng.
Ở hồ Cửa Đạt còn có Đền Thượng - nằm trên một quả đồi cao cạnh hồ chứa nước thờ những người thợ hi sinh trong những năm xây dựng công trình kì vĩ này. Không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền thiêng, quần thể di tích Cửa Đạt còn có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Cửa Đạt là nơi du khách du thuyền ngắm cảnh, câu cá, thưởng thức những món ăn dân dã, hòa mình vào thiên nhiên kì thú, hùng vĩ và thanh bình.

W_ho-cua-dat.jpg
W_ho-cua-dat-2.jpg
Đến với hồ Cửa Đạt du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một vùng thắng tích “hội sơn tụ thủy”.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2012, nơi đây được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Được biết, sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu... ở Lam Kinh, làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê. Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV. Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm mới, rất đông du khách thập phương về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để du xuân, vãn cảnh, dâng hương.

W_lam-kinh-2.jpg
W_lam-kinh-1.jpg
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 200ha.

Phủ Na

Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm ở chân dãy núi Nưa, thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Nơi đây là vùng đất thiêng và là nơi bà Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248).

Lễ hội đền Phủ Na kéo dài trong suốt tháng 1 âm lịch hàng năm. Ở đây thờ Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn.
Du khách đến Phủ Na cầu may mắn, bình an, mùa màng tươi tốt. Đến với Phủ Na, du khách còn được xin “nước thánh”, một nguồn nước chảy từ dãy núi Nưa ra để xin lộc.

W_phu-na-1.jpg
W_phu-na-2.jpg
Những ngày đầu xuân, hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về Phủ Na (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) để du xuân

Đền Nưa – Am Tiên

Nằm trên đỉnh núi Nưa của làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên là 1 quần thể bao gồm “núi Nưa – đền Nưa – Am Tiên”, với tổng diện tích 100 ha , gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.

W_den-nua-1(1).jpg
W_den-nua-2.jpg
Quần thể di tích lịch sử quốc gia Am Tiên, tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa)

Theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là một trong những huyệt khí rất linh thiêng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng là ngày "mở cổng trời". Nơi "mở cổng trời" là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo. Vào những ngày trời quang mây tạnh, từ huyệt đạo có thể quan sát làng mạc, những cánh đồng rộng lớn. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ được mạnh khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, đủ đầy...
Đặc biệt, trên đỉnh ngọn núi có giếng nước gọi là giếng Tiên, dù mùa nắng hay mùa mưa đều không bao giờ hết nước. Nhiều người khi đến đây còn xin nước uống để cầu sức khỏe, may mắn...

Chùa Bụt Hải Tiến

Là một trong những ngôi chùa ở Hải Tiến mới được trùng tụ và mở cửa đón khách du lịch tham quan đông đúc từ năm 2020 tại khu du lịch biển Hải Tiến Thanh Hóa. Chùa Bụt Hải Tiến thuộc địa phận xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nối với khu vực phía bên ngoài là bãi đá Hòn Bò nổi tiếng được du khách yêu thích những năm gần đây.

W_chua-but-1.jpg
W_chua-but-2.jpg
Chùa Bụt Hải Tiến là một trong những địa điểm tâm linh được nhắc đến nhiều vì vẻ đẹp nguy nga, nét cổ kính trầm mặc và không gian vô cùng yên tĩnh, thư thái.

Ghé thăm chùa Bụt Hải Tiến bạn không chỉ cảm thấy bình yên, thư giãn trút bỏ gánh nặng mệt mỏi thường nhật. Mà ở đây, bạn còn có cơ hội tham quan, trải nghiệm không gian tâm linh với kiến trúc độc đáo, rộng rãi, nguy nga, xen lẫn nét đẹp bình dị và nghe tiếng sóng biển vỗ về vô cùng thư giãn, an yên.

Được biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đầu tiên kể từ sau khi cả nước mở cửa du lịch hoàn toàn (ngày 15-3-2022), tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lượt khách du lịch. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 7 ngày nghỉ lễ, Thanh Hóa là một trong những địa phương có mức tăng trưởng du lịch mạnh, với tổng thu du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, tăng 41,6% so với dịp Tết năm 2022.

Bài liên quan
  • Bí quyết giúp bạn hồi phục sức khỏe sau kỳ nghỉ Tết
    Kỳ nghỉ Tết kéo dài với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc. Để lấy lại năng lượng, phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những địa điểm du lịch tâm linh đầu xuân nổi tiếng ở Thanh Hóa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.