Những thành tựu và trách nhiệm của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam với sự phát triển của ĐBSCL

Theo Monre|09/12/2017 14:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

(Moitruong.net.vn) – Với sự kỳ vọng của Chính phủ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đang ngày một kiện toàn và phát triển để đề ra các định hướng chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi có quy mô lớn phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.

>>>Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam 2017


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà – Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Vai trò lớn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đối với sự phát triển của ĐBSCL

Kể từ Hội nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức tại Tp.Cần Thơ vào tháng 5/2017, lưu vực sông Mê Công tiếp tục chịu nhiều tác động khó lường gia tăng. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng mạnh, làm giảm dòng chảy mùa kiệt, giảm lượng phù sa. Lũ nhỏ cùng với triều cường, nước biển dâng làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội vùng. Biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang là thách thức ngày càng hiện hữu đối với các ngành sản xuất, đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng sạt lở nghiêm trọng tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương đã và đang gây ra nhiều thiệt hại to lớn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp cả về kỹ thuật và hợp tác đối ngoại trong khuôn khổ của hợp tác Mê Kông. Trong đó, có những kết quả đáng ghi nhận như: Dựa trên kết quả từ Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và các Nghiên cứu chiến lược do Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban đã tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề thủy điện dòng chính, diễn biến phù sa bùn cát trên lưu vực và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình phát triển trên thượng nguồn, tiến hành các nghiên cứu chi tiết, tổng thể tác động và kiến nghị các đối sách, các giải pháp ứng phó tác động cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2017, Ủy ban phối hợp với các quốc gia thành viên khác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Ban thư ký Ủy hội đã tiến hành tham vấn trước Dự án thủy điện Pắc-Beng theo đề nghị của Lào. Sau 6 tháng tiến hành tham vấn, Ủy hội đã ra được Tuyên bố chung xác định trách nhiệm của các bên trong mục tiêu giảm thiểu tác động của công trình đối với các quốc gia ven sông. Ủy ban sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung và theo dõi diễn biến tình hình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, để kịp thời tham vấn cho Đảng và Nhà nước các đối sách và cập nhật thông tin cho các bên liên quan.

Đối với hoạt động hợp tác trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã phối hợp tốt với các nước thành viên trong Ủy hội để thúc đẩy thực hiện các cam kết cấp cao trong các Tuyên bố Hủa Hỉn (2010) và Tuyên bố thành phố Hồ Chí Minh (2014), thực hiện Kế hoạch chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2016 – 2020 và Kế hoạch phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thành Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính; xây dựng các chiến lược ngành với mục tiêu phát triển bền vững; duy trì hệ thống quan trắc tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan toàn lưu vực và bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định; mở rộng hợp tác với các quốc gia thượng lưu là Trung Quốc và Mi – an – ma và các đối tác phát triển.

Ngoài ra Ủy ban đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương với các quốc gia thành viên Uỷ hội như Lào, Campuchia và Thái Lan thông qua các kênh hợp tác song phương của Chính phủ và giữa Ủy ban sông Mê Kông quốc gia các nước. Đồng thời, Uỷ ban cũng đã tiếp nhận và đang triển khai tốt các hoạt động thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông từ Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thực hiện tại Việt Nam, nhằm tăng cường tính tự chủ của quốc gia và lồng ghép kế hoạch phát triển của quốc gia trong kế hoạch vùng.


Toàn cảnh Hội nghị

Chuyển hóa các thách thức thành cơ hội để phát triển vùng ĐBSCL

Các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng các hoạt động sử dụng nước ngày một gia tăng ở các quốc gia thượng nguồn sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, tình trạng thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng và tài sản của nhân dân, đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt và hiệu quả, góp phần chuyển hóa các thách thức thành cơ hội để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong hai ngày 26 và 27/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm huy động các tư tưởng, sáng kiến lớn giúp Chính phủ và các địa phương trong vùng nhận diện đầy đủ, toàn diện những thách thức, cơ hội; đề ra các định hướng chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi có quy mô lớn phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.

Ngay sau Hội nghị quan trọng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đã chỉ ra bốn thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, đồng thời đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2100 đối với đồng bằng, các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển vùng ĐBSCL; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan để phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Nghị quyết đã giao một số nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương trong khuôn khổ hợp tác Mê Kông như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế; Đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, phát huy vai trò của Việt Nam tại Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông.


Đồng bằng Sông Cửu Long với sản vật trù phú nay đang ngày càng chịu tác động nặng nề của Biến đổi khí hậu

Phát biểu trong Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nhấn mạnh Hội nghị toàn thể Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là cơ hội để Ủy ban chúng ta xác định lại các định hướng trong chỉ đạo, mà còn để thống nhất các giải pháp và kế hoạch hành động của chúng ta, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đề ra các định hướng chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi có quy mô lớn phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100.

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thành tựu và trách nhiệm của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam với sự phát triển của ĐBSCL