Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Ninh Thuận, trong công tác điều tiết cấp nước, luôn ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân; nước uống cho vật nuôi, gia súc; phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; sau cùng mới đến nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Hàng năm, Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cấp khoảng 11,14 triệu m3 nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn; trong đó, nước hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước chạy máy của Nhà máy thủy điện Đa Nhim là 10,24 triệu m3; nguồn từ các hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh là 0,90 triệu m3. Cấp nước uống cho gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là 1,41 triệu m3 và cấp nước cho các hoạt động dịch vụ, du lịch và công nghiệp là 0,35 triệu m3.
Tính đến cuối tháng 7/2021, lượng nước tích trữ trong 21 hồ chứa trên địa bàn Ninh Thuận do công ty quản lý là 71,14 triệu m3, chiếm 36,6% tổng dung tích thiết kế. Mực nước ở Hồ Đơn Dương là 1.032,46m, tương đương dung tích 85,31 triệu m3, đạt 51,7% so với dung tích thiết kế. Từ đầu vụ hè thu năm 2021 đến nay, lưu lượng phát điện trung bình của nhà máy thủy điện Đa Nhim đạt 20,63 m3/giây, lượng nước đến hồ đạt 18,32 m3/giây.
Ông Lê Phạm Hòa Bình, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, khẳng định: “Căn cứ vào nguồn nước hiện nay của hồ Đơn Dương và các hồ chứa nước trên địa bàn, trong mùa khô công ty sẽ đảm bảo cấp đủ nước cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm và phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, với tổng nhu cầu từ nay đến hết mùa khô khoảng 6,5 triệu m3 nước”.
Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận lên phương án chi tiết nhu cầu nước tưới từng xứ đồng để điều tiết một cách hiệu quả nhất. Ảnh: M.P.
“Mực nước ở hồ Đơn Dương hiện ở cao trình 1.032,46m, tương đương dung tích 85,31 triệu m3, đạt 51,7% so với dung tích thiết kế, đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Thuận cung cấp đầy đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2021, dù vụ này diện tích sản xuất tăng cao hơn vụ hè thu năm trước. Nguồn nước từ hồ Đơn Dương không chỉ phục vụ cho sinh hoạt, mà còn cung cấp một phần lớn lượng nước tưới cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm”, ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Lê Phạm Hòa Bình, Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận còn phối hợp chặt chẽ với Công ty CP thuỷ điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi để thống nhất kế hoạch chạy máy phát điện nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhằm chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước bổ sung từ hồ chứa nước ở thượng nguồn Sông Cái, khi lưu lượng chạy máy phát điện của nhà máy thủy điện Đa Nhim giảm thấp.
Đối với các hệ thống đập dâng trên Sông Cái hưởng lợi trực tiếp từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, công ty tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh chính. Riêng vùng cuối kênh Bắc trên địa bàn các huyện Thuận Bắc và Ninh Hải, đây là những vùng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, sẽ điều tiết nước từ kênh nhánh TM20 thuộc hệ thống công trình thủy lợi Tân Mỹ về trữ tại hồ chứa nước Thành Sơn, để kịp thời tăng cường điều tiết bổ sung xuống kênh Bắc tại xã Phước Nhơn khi vùng cuối kênh bị thiếu nước.
“Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, xã và các tổ đội dùng nước thường xuyên kiểm kê, đánh giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước tại các đập dâng, các kênh lấy nước; kiên quyết không điều tiết cấp nước cho diện tích gieo ngoài kế hoạch, đảm bảo cấp nước đúng đối tượng, đúng nhu cầu, hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tăng cường thăm đồng để chủ động thực hiện các giải pháp điều tiết nước chống hạn hợp lý”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận Lê Phạm Hòa Bình, cho hay.
Phương Anh