Ninh Thuận: Đưa vào sử dụng công trình đập ngăn mặn 700 tỉ đồng

Hoàng Nhân|16/10/2020 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Công trình đập hạ lưu Sông Dinh được đưa vào sử dụng sẽ ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn, tạo thành hồ chứa nước ngọt, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Sáng 15/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã khánh thành công trình đập hạ lưu sông Dinh với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cùng một số nguồn khác, khởi công vào tháng 3/2017.

Đập hạ lưu Sông Dinh được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 13ha, quy mô gồm: Đập ngăn nước 6 khoang điều tiết, mỗi khoang rộng 37,8m, âu thuyền rộng 6,2m, 21m, cao trình đáy âu thuyền thay đổi từ -3,50m đến -0,50m, được thiết kế và điều khiển tự động, với hai nhiệm vụ chính là bảo đảm cho các tàu thuyền du lịch qua lại, kết hợp làm cống xả cân bằng giảm chênh lệch cột nước trước khi vận hành cửa van chính của công trình. Cầu giao thông và đường nối tiếp được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị có bốn làn xe ô tô và hai làn cho người đi bộ, tổng chiều rộng mặt cầu 18m.

Hệ thống đập hạ lưu sông Dinh chính thức đi vào hoạt động. Ảnh: TN.

Dự án có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông Dinh; tạo hồ giữ nước ngọt, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt và vật nuôi ở khu vực xây đập; tạo nguồn để xây dựng hệ thống cấp nước bổ sung cho người dân phía nam của H.Thuận Nam và H.Ninh Phước; tạo thoáng điều hòa khí hậu khu vực TP. Phan Rang – Tháp Chàm và vùng lân cận.

Ngoài ra, công trình nằm gần cuối cửa sông đổ ra biển, đây là cửa sông chính tiêu thoát lũ cho lưu vực sông Dinh, do đó đập hạ lưu sông Dinh còn đảm bảo khả năng cắt lũ, thoát lũ nhanh.

Sông Dinh, còn gọi là Sông Cái, sông lớn nhất Ninh Thuận chảy từ huyện Bác Ái, Ninh Sơn về Phan Rang – Tháp Chàm. Dòng chảy dồi dào, bình quân 2,5 tỷ m3 nước, nhưng phân phối không đều. Mùa lũ tập trung 80-85% lượng nước chảy trong năm, thường gây nên ngập lụt hai bên bờ Phan Rang. Còn mùa khô, lượng dòng chảy chỉ chiếm 15-20%, gây khô hạn, xâm nhập mặn vùng hạ lưu.

Hoàng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Đưa vào sử dụng công trình đập ngăn mặn 700 tỉ đồng