Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đầu tư với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng.
Công nhân thi công đường dây truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng
Dự án được triển khai trên diện tích 557,09ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, dự án được triển khai trên vùng diện tích 557ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Công trình đồ sộ này được Trungnam Group khởi công từ tháng 5/2020 và hoàn thành vào ngày 12/10, với toàn bộ thời gian thi công chỉ 102 ngày. Khoảng 8.200 cán bộ, công nhân viên đã chia làm 2 – 3 ca làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành dự án đúng tiến độ với thời gian kỷ lục.
Dự án sử dụng 1,4 triệu tấm pin năng lượng, hơn 100.000 tấn thép, lắp gần 8,5 triệu mét dây và cáp điện… Ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỷ kWh), dự án này sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung bộ.
Ông Nguyễn Tâm Tiến – tổng giám đốc Trungnam Group – cho biết dự án này có những điều đặc biệt khi đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, đây là dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng bởi trước đây hạ tầng truyền tải điện thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước.
“Sau khi dự án này hoàn thành, Trung Nam đã chính thức phát trên lưới quốc gia 1.064MW bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Dự kiến năm 2021, chúng tôi sẽ phát thêm 900MW điện gió và đến năm 2027 đưa vào vận hành gần 10.000MW điện năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời” – ông Tiến nói.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện gió và năng lượng mặt trời, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, Tây nguyên và vùng biển ngoài khơi… với trữ lượng trên 800.000kW. Theo ông, trung ương đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên đến nay, mới có khoảng trên 100 dự án đưa vào hoạt động với tổng công suất chỉ trên 5.000kW. Riêng ở Ninh Thuận đã có khoảng 30 dự án với tổng công suất trên 1.200kW.
Hà An