Theo EC, hiện 44% diện tích lãnh thổ EU và Anh có nguy cơ hạn hán, 9% trong tình trạng báo động. Hà Lan, nơi được mệnh danh là “vùng đất của nước” với 1/3 diện tích lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Hãng tin Reuters dẫn thông báo của chính phủ Hà Lan cho biết, hạn hán có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề cấp bách ở nước này.
“Tình trạng thiếu nước tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển và sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi gọi quê hương mình là vùng đất của nước, nhưng ở đây nước với chúng tôi cũng rất quý giá”, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và quản lý nước Hà Lan Mark Harbers cho biết. Trong những tuần tới, giới chức dự kiến áp đặt biện pháp hạn chế mới với nguồn nước uống khi tình trạng hạn hán tồi tệ hơn.
Tính đến hết tháng 7/2022, hoạt động sản xuất của nhà máy thủy điện ở nhiều nước châu Âu thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2021. “Gã khổng lồ” năng lượng EdF (Pháp) buộc phải giảm sản lượng tại một số nhà máy điện hạt nhân vì nhiệt độ nước ở các sông Rhône và Garonne quá cao không đủ làm mát các lò phản ứng. EdF dự kiến sản lượng điện hạt nhân của nước này trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm qua. Đáng chú ý, nắng nóng phơi bày thực trạng thiếu cây xanh ở Paris. Theo hãng CNA, nhiệt độ tỏa ra từ lớp nhựa đường bên ngoài nhà hát Opera Garnier - một trong vô số những nơi được coi là đảo nhiệt đô thị ở Paris - lên tới 56oC.
Ngày 4/8, Đức đưa ra cảnh báo đỏ cho đợt nắng nóng mới tại hầu khắp các bang của nước này. Hiệp hội Nông dân Đức cho biết, sản lượng lúa mì năm nay ước đạt dưới mức trung bình do hạn hán. Thực tế, tình trạng thiếu khí đốt ảnh hưởng nặng nề đến Đức và các nước châu Âu khác do nguồn cung từ Nga giảm mạnh, đẩy giá nhiên liệu cũng như điện tăng vọt trong vài tháng qua. Đức “cực chẳng đã” phải tái khởi động nhà máy điện than đầu tiên.
Tuy nhiên, hạn hán khắc nghiệt làm tăng thêm sự mất cân bằng: các cảng ở châu Âu đang chứa một lượng lớn than không thể giao cho các nhà máy điện do mực nước quá thấp để vận hành sà lan vận chuyển. Theo Bloomberg, hoạt động vận chuyển trên sông Rhine - một trong tuyến đường thủy phồn thịnh bậc nhất châu Âu - có thể rơi vào “tê liệt” vì mực nước chỉ còn bằng một nửa so với mức trung bình.
Ông Josh Folds, chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn Facts Global Energy cho biết: “Với tình trạng vận chuyển gián đoạn trên sông Rhine và các lựa chọn thay thế như đường sắt và đường bộ ngày càng đắt đỏ, Đức và Thụy Sĩ sẽ khó xây dựng các kho dự trữ đầu diesel”.
EC đang kêu gọi các nước thành viên tái sử dụng nước thải đô thị đã qua xử lý để tưới tiêu cho nông nghiệp. Mỗi năm, các nước châu Âu xử lý hơn 40 tỷ m3 nước, nhưng chỉ có 964 triệu m3 được tái sử dụng. Nếu có hệ thống chuyển hướng nước thải đến trang trại như Israel, Singapore và Úc, đến năm 2025, các nước châu Âu có thể tái sử dụng 6 tỷ m3 nước thải.
Bruxelles khẳng định: “Đây là điều cần thiết, vì hiện tượng thiếu nước sẽ xảy ra nhiều hơn trong những năm sắp tới do khô hạn, với những hậu quả to lớn cho môi trường, cũng như cho mọi lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, du lịch hay công nghiệp”. EC cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể khiến một nửa số lưu vực sông ở các nước châu Âu có nguy cơ bị thiếu nước vào năm 2030.