Sống giữa lòng hồ mà thiếu nước
Những tháng đầu mùa khô năm nay, mưa ít, suối cạn, các mó nước đứt dòng khiến nhiều hộ dân ở huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng.
Huyện Đà Bắc nằm trong lưu vực sông Đà với khoảng 70 km chiều dài sông chảy qua địa bàn song đây là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Với lưu lượng nước bình quân cả năm là 1.602m3/s, nơi đây có nguồn nước phong phú, được đánh giá đảm bảo cho việc sản xuất và sinh hoạt của toàn huyện. Thế nhưng hơn 2 tháng trở lại đây, các xã Lau Bai, Vầy Nưa, Tiền Phóng, Suối Nánh, Hiền Lương... trên địa bàn huyện Đà Bắc lại đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Thậm chí có nơi bao quanh là nước như xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc, Hòa Bình) ba bên là mặt nước sông Đà nhưng các hộ dân nơi đây đang đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt do nước đầu nguồn cạn kiệt không có nước về bể chứa chung của xóm.
Tại xã Vầy Nưa, trước đây con suối Khé ở xóm Dướng nước chảy quanh năm, người dân trong vùng hầu như không phải bận tâm về nước sinh hoạt. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, nhất là những tháng mùa khô năm nay, mưa ít, con suối đã khô dòng, trơ đáy khiến cho nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng.
Bà Đặng Thị Mùi sinh sống ngay cạnh suối Khé cho biết, từ lâu gia đình bà phải sử dụng các dụng cụ để hứng nước mưa hoặc đi chở nước tại các địa điểm khác cách xa nhà về sử dụng. Cuộc sống chật vật khó khăn chưa biết đến khi nào nguồn nước có trở lại.
Tại xóm Dướng, các hộ dân khu Đầu Trâu phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Trước kia bà con nơi đây sử dụng nước tự kéo từ các mó nước trên dãy núi cách khu dân cư khoảng 500m. Tuy nhiên hiện nay, mạch nước còn rất nhỏ nên các hộ phải thay nhau đi kiểm tra và chia sẻ nước để sử dụng.
Do khó khăn về nước, năm 2022, các hộ dân xóm Dưng (xã Hiền Lương) đã góp tiền khoan giếng với chi phí trên 10 triệu đồng/giếng nhưng không phải giếng nào cũng có nước. Tuy nhiên, nước giếng khoan thuận tiện trong sinh hoạt nhưng nếu sử dụng vào tưới tiêu thì chi phí tiền điện sẽ rất cao, ảnh hưởng đến kinh tế các gia đình trong khi đây là vùng khó khăn nhất tỉnh.
Theo ông Xa Văn Si, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, tình trạng thiếu mưa kéo dài nên các xóm đều gặp khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất. Năm 2023, với hi vọng giảm bớt phần nào những khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân, chính quyền xã Vầy Nưa đã bỏ ra 104 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa bể chứa nước đầu nguồn, đường dẫn nước sinh hoạt nhưng mới thực hiện được ở các xóm: Thín, Săng Bờ, Mó Nẻ, xóm Dướng. Những xóm khác do kinh phí hạn hẹn nên vẫn chưa triển khai được nên vẫn đang trong tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt.
Nói về tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang xảy ra ở một số khu dân cư trên địa bàn xã Hiền Lương (nằm trong vùng lòng hồ sông Đà), lãnh đạo UBND xã này cho biết trên địa bàn đã có một số công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, nhưng do đầu tư đã lâu, nay bị hư hỏng, xuống cấp, tình trạng hạn hán lại kéo dài nên nhiều công trình không phát huy được công năng vì thiếu nước.
Cụ thể như ở xóm Dưng, một công trình nước sạch tự chảy được xây dựng đã hơn 30 năm, dẫn nước từ mó Gốc Tăng để phục vụ cho hơn 10 hộ dân trên địa bàn, đến nay, công trình đã hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng được.
Bà Đinh Thị Yên, một trong những hộ dân xóm Dưng từng hưởng lợi từ công trình nước sạch cho biết, nguồn nước ở đầu nguồn khá ổn định. Tuy nhiên do đường ống dẫn nước vào bể chứa hư hỏng nên các hộ dân không có nước để sử dụng.
Ngoài xã Vầy Nưa và Hiền Lương, nhiều khu dân cư thuộc các xã trên địa bàn huyện Đà Bắc như Đồng Ruộng, Suối Nánh… cũng đang gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.
Người dân mong muốn, chính quyền huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ duy tu, sửa chữa và xây mới các công trình nước sạch để đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là khi mùa khô năm nay dự báo sẽ còn diễn biến khó lường, khắc nghiệt hơn những năm trước.
Nhiều chương trình, dự án trọng điểm với quyết tâm cao
Giải quyết nước sinh hoạt cho vùng miền núi nói chung, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng hải đảo xa xôi nói riêng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua, thể hiện qua các chương trình mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Chương trình 134; Chương trình 135, Chương trình 30a,….
Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt gồm 3 dự án: Dự án 1 là Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 2 là Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 3 là Xây dựng hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.
Hiện nay, Chương trình này đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.
Các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trong phạm vi thực hiện của dự án chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các vùng này đã được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án với quyết tâm cao.
Mặc dù, nước ta đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn như Chương trình 134, 135, Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn,... nhưng vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân ở các vùng còn chưa được giải quyết triệt để và gặp rất nhiều khó khăn, người vẫn dân phải đi hàng chục km để lấy nước.
Điển hình như ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù trên địa bàn huyện có 5 dòng sông chính chảy qua, trong đó sông A Vương và sông Bung có lưu lượng dòng chảy lớn vào mùa mưa. Ngoài ra, còn có khoảng 100 con suối, khe nhỏ với lưu lượng nước ít. Bước vào thời điểm tháng 4-5 hàng năm, mực nước ở các sông, suối bắt đầu giảm dần, nhiều nơi xuống mức 50% so với lưu lượng chảy bình thường. Biến đổi khí hậu và các nhà máy thủy điện dày đặc ở thượng nguồn đã khiến nguồn nước ngày càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho người dân.
Theo ông Lê Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cách đây 10 – 12 năm trong suy nghĩ của người dân vùng cao “nước trời” là không bao giờ cạn vì đi rừng còn thấy nước chảy róc rách trong các con suối. Nhưng giờ này lòng suối bày trơ đá không còn chút nước, đến cả những con sông lớn nước cũng rút sâu trong những mùa khô.
Huyện miền núi Nam Đông được xem như “chảo lửa” ở Thừa Thiên - Huế, nhiệt độ ở đây luôn cao hơn đồng bằng 3 - 4 độ C. Hiện nay, đồng bào dân tộc ở 5 xã vùng cao là Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Giang và Hương Nhật đang thiếu nước sạch trầm trọng. Trừ Hương Hữu còn nguồn nước dự trữ ở thôn Khe Vôn, bà con 4 xã còn lại với hơn 2.000 hộ dân đang phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào chưa qua xử lý, thường xuyên bị nhiễm phèn, chua.
Để đối phó tạm thời, huyện Nam Đông đã đầu tư kinh phí để đào, khoan giếng phục vụ ưu tiên tại trạm y tế và các học sinh bán trú trong các trường học. Đối với các hộ dân, huyện tích cực vận động người dân nạo vét, cải tạo các giếng nước đã có để giải quyết nhu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy vậy, dù khoan giếng sâu vẫn không thể tìm được mạch nước nào phục vụ bà con.
Được biết xã Thượng Long có hơn 30 hộ dân, có 2 cái giếng nhưng đã cạn đáy nên hàng ngày người dân nơi đây phải dậy thật sớm, lên các khe, suối cách nhà hơn 3km mới lấy nước về dùng.
Các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng thiếu nước sạch sử dụng vẫn diễn ra vào mùa khô ở những vùng đồng bào thiểu số. Ngay ở tỉnh Cà Mau, mặc dù hiện đã có khoảng 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng nước sạch; trong đó, khoảng 9.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn vẫn chưa được hưởng lợi từ các công trình cung cấp nước sạch tập trung. Vì, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Chính vì thế, Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” được đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết lâu dài tình trạng thiếu nước sạch cho đồng bào dân tộc.
Kết quả tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với tổng trữ lượng khai thác đạt 117.000 m3/ngày, có khả năng cung cấp nước sạch cho trên 1,4 triệu người (với định mức 80 lít/người/ngày). Sau khi được khai dẫn xây dựng mạng cấp nước cho các vùng sẽ nâng cao tỷ lệ người dân được cấp nước sạch tại các tỉnh thực hiện dự án, người dân sẽ không còn cảnh hàng ngày phải đi lấy nước ở những nơi xa khu dân cư, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao.
Đến nay, dự án hoàn thành thi công giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng là 307,27 tỷ đồng và lưu lượng khai thác mỗi ngày là 117.000 m3/ngày. Theo đó, chi phí giá thành đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước trung bình cho 1m3 nước là 720 đồng. Việc đầu tư cho công tác tìm kiếm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, trên 1,4 triệu người dân tại 197 vùng núi cao thuộc 37 tỉnh sẽ được hưởng lợi ích to lớn do dự án đem lại, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.