Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, Lê Văn Tân cho biết: Vùng cát ven biển phía Nam của tỉnh được xem là nơi có lượng nước ngầm dồi dào và trong sạch do được lọc tự nhiên qua nhiều tầng lớp cát dày, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt bao đời của người dân.
Tuy vậy, thời gian gần đây, người dân và chính quyền vùng biển bãi ngang Ngư Thủy liên tục phản ánh là nguồn nước ngầm bị sụt giảm nhiều và bị nhiễm phèn nặng, bốc mùi rất khó chịu không thể dùng cho sinh hoạt, nếu không được xử lý qua hệ thống máy lọc.
Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Băc, Trần Kim Trung cho biết: Xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, mà lâu nay với nguồn nước ngầm tự nhiên dồi dào bà con thường khoan giếng trong cát lấy nước để dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Nhiều người hoang mang, lo sợ bị bệnh tật, nhất là lớp trẻ do sử dụng nước không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài.
Trưởng thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, Ngô Văn Hiền cho hay, cả thôn có hơn 260 hộ dân thì hầu như nhà ai cũng bị nước nhiễm phèn. Mức độ nhiễm ngày càng nặng hơn, phải sử dụng hệ thống lọc để có nước tắm rửa, giặt giũ, còn về cơ bản ăn uống thì phải mua nước đóng sẵn hoặc đi chở nước từ vùng khác về.
Để tìm kiếm nguồn nước không bị ô nhiễm, một số người dân khoan nhiều giếng khu mực gần mép nước biển nhưng nguồn nước này vẫn có tình trạng nhiễm phèn. "Vạn bất đắc dĩ", người dân phải mua từng bình nước lọc về để sử dụng.
Gia đình nào có nhu cầu cao hơn thì bỏ ra số tiền lớn mua máy lọc nước hoặc xây dựng bể lắng, lọc để xử lý nước phèn. Nhưng qua hệ thống lọc, nước thường vẫn có mùi khó chịu. Lượng phèn nhiều, cứ vài ngày người dân lại phải thay lõi lọc.
Không chỉ xã Ngư Thủy Bắc mà nhiều địa phương vùng ven biển huyện Lệ Thủy cũng gặp phải tình trạng giảm sút nguồn nước ngầm và nhiễm phèn. Tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy), người dân cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, (Quảng Bình) cho biết, tại địa phương này, có gần 50 % hộ dân (707/1.468 hộ dân) phản ánh tình trạng nước ngầm tự khai thác bị nhiễm phèn nặng.
Ðể khắc phục, tỉnh cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, điều tra kỹ hiện trạng nguồn nước ngầm, trên cơ sở đó khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, khoa học. Ðồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho các xã ven biển bãi ngang để ổn định cuộc sống người dân.