Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 2)

Thanh Tú|23/04/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một trong những dấu ấn của công cuộc tìm kiếm nguồn nước phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

nc-sach-vung-cao.jpg
Kiểm tra lỗ khoan tại Dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước"

Từ nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2015, Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a… và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế mà vấn đề về nước sạch vùng nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hiện nay, Chương trình này đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.

Triển khai Chương trình này, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập được Bản đồ ở những vùng đặc biệt khan hiếm nước, đã có các số liệu và bản đồ về nước ngầm, đặc biệt là các tầng nước rất khó khăn để phục vụ điều tra. Bộ cũng đã cung cấp các số liệu này cho các địa phương, đồng thời, đã có trao đổi để những khu vực khan hiếm nước có thể nhận được các số liệu này để khai thác. Thời gian vừa qua, ở Hà Giang, khu vực miền núi, vùng cao đã có nhiều nơi được cấp nước từ các kết quả của Chương trình.

Đến nay, cả nước hiện có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 41% và cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 10%.

Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo vệ sinh mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Ngoài ra, kết quả của dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

Các vùng có tỷ lệ cao về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (trên 60%) gồm: Đồng bằng sông Hồng (67%), Đông Nam bộ (65%), Đồng bằng sông Cửu Long (67%). Các vùng có tỷ lệ thấp về dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn (dưới 30%) gồm miền núi phía Bắc (29%) và Tây Nguyên (28%).

Ngoài những tác động tích cực mang tích lâu dài đối với xã hội, để dự án phát huy hiệu quả cao, nguồn nước sạch nhanh chóng đến với đồng bào ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Trong quá trình triển khai dự án, sau khi tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức bàn giao Hồ sơ kết quả của dự án cho các đơn vị liên quan gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh trong phạm vi dự án để nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác nước phù hợp, xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

nc-sach-lc.jpg
Một dự án nước sạch cho đồng bào vùng cao ở tỉnh Lào Cai

Ngày 02/8/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được quy định như sau:

- Rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước.

- Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, vùng sâu, vùng xa, miền núi, bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo).

- Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu).

- Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

Quyết định 925/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 02/8/2022.

Những tín hiệu vui từ vùng cao, vùng đồng bào thiểu số

“Giếng sạch trao buôn”, "giếng khoan về bản" hay công trình xử lý nước có mặt tại thôn,…là những trái ngọt mà bà con vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng từ những chương trình, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

nc-sach-1.jpg
Lễ khởi công dự án giếng sạch trao buôn ở tỉnh Gia Lai

Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân vào năm 2030. Đây là chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Gia Lai, từ những chương trình, dự án phối hợp với đơn vị, tổ chức quốc tế và trong nước, tỉnh Gia Lai đã đưa nhiều giếng nước, công trình nước sạch về các buôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con được sử dụng nước hợp vệ sinh và dần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với mô hình “Giếng sạch trao buôn” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức ASIF Autralia Limited hỗ trợ, người dân ở xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) nhận được 6 công trình nước sạch.

Được biết toàn xã Đak Tơ Ve có 5 làng với 560 hộ nhưng chỉ có khoảng 60% hộ dân có giếng nước, số còn lại thường phải sử dụng nước giọt. Đặc biệt, ở khu vực đầu nguồn, bà con canh tác lúa nước nên hay sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến nguồn nước giọt dẫn về không đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, cứ tới đầu tháng 3 hàng năm, các giếng và giọt nước cạn kiệt không đủ cung cấp cho người dân. Việc có thêm 6 công trình nước sạch sẽ giải quyết được nỗi lo thiếu nước sinh hoạt của bà con dân làng nơi đây.

Theo ông Dương Đình Diện – Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Gia Lai, dự án “Giếng sạch trao buôn” có tổng vốn đầu tư 24,8 tỉ đồng từ nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Dự án thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay, tổ chức ASIF tiến hành khoan giếng hoàn chỉnh, kết hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh bàn giao lại cho các địa phương tiếp nhận, quản lý, vận hành.

Dự án này sẽ trao tặng 200 công trình giếng khoan, bao gồm: Hệ thống giếng khoan, bồn chứa nước inox 3.000 lít, hệ thống tự động bơm nước và lấy nước sử dụng. Dự án triển khai trên địa bàn 14 huyện của tỉnh Gia Lai giai đoạn từ 2021-2023. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 2.000 người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn về nước sạch.

Theo ông Diện, đơn vị tài trợ đã thực hiện xong 39 công trình nước sạch tại địa bàn 3 huyện Chư Păh, Ia Grai và Chư Prông. Tới đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ phối hợp với tổ chức tài trợ, chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao công trình cho các cộng đồng dân cư thụ hưởng quản lý, sử dụng. Tiếp theo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục khảo sát để xác định vị trí đặt giếng tại các địa phương còn lại.

Đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cũng được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng từ công trình nước sạch quy mô và hiện đại được xây dựng và hoạt động từ giữa năm 2020 đến nay.

Nằm ở khu vực miền núi, đất đai cẵn cỗi và địa hình dốc, bà con ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đăk Ruồng thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên không có kinh phí để đào giếng khoan, thường phải ra sông, suối gùi nước nhưng đường đi rất xa và dốc nên thường phải sử dụng nước không hợp vệ sinh. Từ ngày có công trình nước sạch, đời sống cộng đồng các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được cải thiện.

Với bà con vùng cao Lào Cai, mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2025 tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn hợp vệ sinh đạt 97%, trong đó 50% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Để đạt được điều này, tỉnh Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường thông tin, truyền thông đối với quản lý, khai thác công trình, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về ý thức bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt, bảo vệ chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm gắn với xây dựng nông thôn mới.

cong-trinh-khai-thac-nc-o-bac-lieu.jpg
Lễ bàn giao 8 công trình khai thác nước dưới đất cho đồng bào ở tỉnh Bạc Liêu

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai tập trung nâng cấp, sửa chữa và quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để duy trì ổn định các công trình hiện có, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Theo đó sẽ có 259 công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động được khôi phục, tỉnh Lào Cai còn lắp đặt công nghệ xử lý nước sạch cho một số công trình; áp dụng các công nghệ cấp nước mới phù hợp với điều kiện của Lào Cai nhằm cải thiện điều kiện cung cấp nước tại khu vực nông thôn; ứng dụng kỹ thuật xây dựng công trình thu trữ, bổ cập nước ngầm cho các vùng khan hiếm nước ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương.

Tỉnh Yên Bái cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; đến năm 2030, đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn.

Tại xã Đông An, huyện vùng sâu Văn Yên, công trình nước sạch phục vụ nhu cầu về nước cho trên 1.000 hộ dân trong xã. Để công trình phát huy hiệu quả, ngay từ khi công trình cấp nước đi vào hoạt động, UBND Đông An đã thành lập Ban Quản lý công trình để quản lý, vận hành, khai thác; thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống cấp nước để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố; sửa chữa, duy tu bảo dưỡng trong quá trình sử dụng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái có 358 công trình cấp nước tập trung và trên 100.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ là các giếng đào, giếng khoan. Nhờ đó, có trên 600.000 người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 92%; 72% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và gần 95% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Việc đầu tư các công trình cấp nước sạch đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đều được giao cho UBND các xã và các đơn vị khai thác quản lý vận hành.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước hiện có; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo sửa chữa, mở rộng, xây mới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung; hỗ trợ hộ dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn; trên 87% hộ gia đình nông thôn, 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt quy chuẩn. Đến năm 2045, phấn đấu trên 80% số dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 2)