Nước sông Đồng Nai đang ô nhiễm nặng

Hải Minh (T/h)|04/10/2019 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàm lượng Amoni; TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng ôxy hòa tan trong nước); vi sinh nguồn nước sông Đồng Nai… không đạt quy chuẩn cho phép (QCVN08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt).

Cụ thể, theo kết quả quan trắc mới nhất về chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn và khó đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.

So sánh với kết quả quan trắc cùng thời kỳ năm 2018, cho thấy đoạn 1 từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn 2 từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa – Bửu Long của sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh chất lượng nước mặt đều bị suy giảm. Đối với đoạn 3 từ Bến đò Biên Hòa – Bửu Long đến cầu Đồng Nai và đoạn 4 từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Từ kết quả quan trắc nói trên, Sở TN-MT cũng xác định, chất lượng nước mặt tại 3 đoạn của sông Đồng Nai bao gồm đoạn 1, 2 và 4 không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt. Riêng đoạn 3, do mức độ ô nhiễm cao hơn nên được xác định không phù hợp mục đích cấp nước sinh hoạt.

Tình trạng suy giảm chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đang làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bởi sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước thô chính phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ sông Đồng Nai, hiện nay, hàng loạt sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm.

Theo kết quả quan trắc mới nhất, suối Đaklua (huyện Tân Phú); các sông, suối trên địa bàn huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu thuộc lưu vực sông Thao và các sông, suối thuộc lưu vực sông Thị Vải chất lượng nước mặt đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do các chất dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh tăng cao.

Đặc biệt, khu vực các sông, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa và các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành thuộc lưu vực sông Buông, chất lượng nước mặt luôn ở tình trạng ô nhiễm nặng.

Tương tự, địa bàn giáp ranh giữa Đồng Nai với các địa phương gồm tỉnh Lâm Đồng; Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu, chất lượng nước mặt của sông, suối ở các khu vực này cũng đang bị suy giảm do ô nhiễm. Trong đó, nghiêm trọng nhất là suối Cạn nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Cẩm Mỹ với huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kết quả quan trắc trên suối Cạn vị trí nằm sau Nhà máy xử lý chất thải rắn Thiên Phước (đóng tại xã Xuân Mỹ) cho thấy suối này cũng có dấu hiệu ô nhiễm nhiều nhất bởi hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng, tổng dầu mỡ và vi sinh đều vượt xa so với quy chuẩn cho phép.

Hải Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước sông Đồng Nai đang ô nhiễm nặng