Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam vừa phát đi thông báo, nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn Hà Nam đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân do nguồn nước thải từ phía Hà Nội đổ về. Theo đó, lấy mẫu và phân tích, nồng độ các chất ô nhiễm như sau:
Tại cống Nhật Tựu: Nồng độ Amoni là 13,4 mg/L-N, vượt 44,67 lần; ôxy hoà tan là 0,62 mg/L, nhỏ hơn 8,06 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2 (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).
Tại cống Ba Đa: Nồng độ Amoni là 15,2 mg/L-N, vượt 50,67 lần; ôxy hoà tan là 0,85 mg/L, nhỏ hơn 5,88 lần giới hạn cho phép theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT cột A2.
Nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy chạy qua 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây là LVS có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhưng hiện nay môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đang trong tình trạng báo động.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2018 kinh phí dành cho các dự án cải tạo lưu vực sông Nhuệ - Đáy là hơn 38.000 tỷ đồng. Đã có nhiều chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy được triển khai như: Dự án thí điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải sông Nhuệ tại 2 thôn Phú Hà và Phú Thứ - Từ Liêm với công suất 400 m3/ngày đêm; xây dựng Trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ với công suất 1.500 - 2.000 m3/ngày đêm; Dự án “Quản lý ô nhiễm môi trường các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”... nhưng cho đến nay tình trạng ô nhiễm của lưu vực sông này vẫn chưa được cải thiện.