Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 100 người có 99 người phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm.
Trong số đó có 2,4 tỷ người đang phải đối diện với mức ô nhiễm không khí nguy hiểm vì nấu ăn không an toàn, 3,8 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí trong gia đình, 4,2 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí trong gia đình.
Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo, ô nhiễm không khí là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi mà có tới 99% dân số thế giới đang sống trong môi trường có chất lượng không khí ở dưới mức tiêu chuẩn của WHO. Trong bầu không khí mù mịt khói bụi, khi bạn hít thở, vô số hạt bụi mịn và các phân tử ô nhiễm nhỏ li ti xâm nhập vào cơ thể. Tiếp xúc khói bụi trong thời gian dài sẽ đe dọa chức năng não bộ, tăng khả năng mất trí nhớ, kích thích các bệnh về mắt, ảnh hưởng tới tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. Đe dọa chức năng phổi, tăng khả năng gây vô sinh và rất nhiều nguy cơ sức khỏe khác nữa.
Thành phố Jakarta của Indonesia liên tục đứng trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu kể từ tháng 5. Người dân Jakarta những ngày qua đều cảm thấy ngộp thở vì khói mù dày đặc bao phủ thành phố, họ lại đeo khẩu trang trở lại, nhưng không phải vì dịch bệnh, mà vì ô nhiễm không khí. Trong vài ngày qua, chất lượng không khí tại Jakarta được đánh giá là 'không tốt cho sức khỏe'.
Jakarta ghi nhận hơn nửa triệu ca mắc bệnh đường hô hấp mới từ đầu năm đến nay, nhiều ca bệnh phải nhập viện điều trị hơn và triệu chứng cũng nặng hơn.
Tại Vương quốc Anh, theo nghiên cứu của đại học Cambridge, chất lượng không khí kém cũng khiến khoảng 30 nghìn người tử vong vì các bệnh lý mỗi năm.
Để giải quyết tình trạng này, thủ đô London, Anh chính thức mở rộng vùng Xanh, được gọi là khu vực khí thải cực thấp, bằng cách thu phí ô tô cũ gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền nhấn mạnh, đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.
Tại Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí tệ đến mức người dân thường xuyên phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trước những hậu quả đến sức khỏe và chất lượng sống, kể từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế số lượng ô tô chạy xăng trên đường ở các thành phố lớn; cấm xây dựng các nhà máy than mới ở những khu vực ô nhiễm nhất; cắt giảm khí thải hoặc đóng cửa các nhà máy hiện có. Đồng thời giảm các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm cao như: sản xuất sắt thép.