Trong những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn ở mức báo động. Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí, chỉ số AQI đo được ở nhiều điểm tại Hà Nội luôn ở trên mức 100 – cảnh báo ở mức có hại sức khỏe, thậm chí có nơi còn trên 180.
Chất lượng không khí ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người. Tổ chức WHO khuyến cáo, ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người hiện nay, ước tính 4.2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,8 triệu ca liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Theo khảo sát của tổ chức này cũng cho thấy, 6 trong 10 ca bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí – “Kẻ giết người thầm lặng”
Mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại hàng loạt các thành phố lớn tại Việt Nam đã và đang cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân. Tình trạng ô nhiễm làm giảm tuổi thọ con người, góp phần gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm như bệnh tim, các bệnh liên quan tới hệ hô hấp và thậm chí là ung thư.
Vậy, cụ thể, ô nhiễm không khí ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể con người? Những đối tượng nào phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ô nhiễm môi trường?
Những con số báo động về ô nhiễm không khí
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với tỷ lệ người tử vong do ô nhiễm không khí chỉ xếp sau bệnh tim mạch.
Bắc Kinh cũng được đặt trong mức báo động đỏ, thậm chí được coi là cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí quy mô lớn.
Doha, thủ đô của Qatar cũng được WHO liệt kê vào danh sách này do lượng khí thải từ các phương tiện giao thông tăng cao.
Ở Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội là hai thành phố có mức độ ô nhiễm bụi nặng nề nhất khu vực.
Đến năm 2035, con số tử vong vì ô nhiễm môi trường tại Việt Nam có thể lên đến 100.000 người một năm.
Những người phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm không khí lớn nhất
Trẻ em: Tiếp xúc với ô nhiễm khiến trẻ tăng nguy cơ bị suy giảm trí nhớ, dễ bị kích ứng, viêm da, khó thở, hắt hơi, dị ứng, viêm mũi dị ứng,…
Trẻ em mới sinh: Ô nhiễm không khí gây ra một loạt bệnh lý đường hô hấp, dễ bị các cơn hen phế quản cấp tính tấn công trẻ mới sinh.
Phụ nữ mang thai: Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc bệnh nền mãn tính,… có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc biến chứng nguy hiểm.
Liên Hợp Quốc từng công bố 10 sự thật về ô nhiễm không khí, về tác động của con người đối với ô nhiễm không khí và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu. Theo đó, cứ mỗi một giờ đồng hồ là lại có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, hay 13 người mỗi phút, gấp ba lần tổng số người tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.
Trước tình trạng báo động về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, GreenID khuyến nghị mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.
Mộc An (t/h)