Vì sao Hà Nội liên tục trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí?

An Hạ (t/h)|17/09/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội đang trong một đợt ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí ở một loạt điểm nội thành và ngoại thành thủ đô đều ở mức báo động đỏ.

Các chỉ số đo chất lượng không khí thay đổi liên tục theo từng giờ. Có thể thấy bầu trời nhiều sương mù, chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng kém. Về buổi trưa và chiều, chất lượng không khí càng xấu đi, đến 14h chỉ số này tăng lên 131.

Đợt ô nhiễm không khí này kéo dài liên tục trong nhiều ngày và không có khoảng giảm, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng. Từ ngày 13/9 đến nay, chỉ số ô nhiễm không khí đều lên trên 100, ngưỡng chất lượng không khí kém. Bên cạnh đó, khoảng ô nhiễm trong một ngày kéo dài gần như liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, gồm cả khoảng thời gian mà ít người nghĩ tới, đó là về đêm và sáng sớm. Người dân không thể chủ quan trước những chỉ số ô nhiễm này bởi nó không chỉ đơn giản là ngày mà bụi trong không khí nhiều hơn.

Chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Ảnh Duy Hiệu

Trong đợt ô nhiễm không khí mà người dân đang trải qua ở Hà Nội có đủ các yếu tố gây ô nhiễm. Ngoài ra, còn có sự tác động của hai yếu tố mang tính địa phương. Thứ nhất là diễn biến thời tiết. Trong 4 ngày gần đây, ở Hà Nội mù vào sáng sớm liên tục xuất hiện, trời lại không mưa, lặng gió. Bụi không có gió để phát tán xa hơn.

Ngoài ra, sương mù như một lớp màn chặn bụi lại. Nguyên nhân thứ 2 là trong thời gian qua, ở khu vực ngoại thành Hà Nội lại tái diễn tình trạng đốt rơm rạ. Khói bụi từ rơm rạ khiến tình trạng ô nhiễm trong ngày có sương mù càng nghiêm trọng hơn.

Theo bảng quy đổi của Sở TNMT Hà Nội, đây là mức không lành mạnh cho sức khỏe nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em, người có bệnh về hô hấp).

Ô nhiễm không khí thể hiện qua ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air vào sáng 16/9.

Theo lý giải của Tổng Cục Môi trường hôm 7/9, lượng bụi mịn PM 2.5 tăng đột biến trong vài ngày qua là do các hiện tượng khí tượng bất thường. Thời điểm nồng độ bụi PM 2.5 lên cao có thể do thời gian này tương đối lặng gió, làm hạn chế việc luân chuyển chất ô nhiễm lên tầng cao.

Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM 2.5) tăng đột biến. Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển, xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới.

Theo TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, thời điểm này trong năm thường là lúc không khí có chất lượng tốt nhất, nhưng năm nay thì ngược lại. Bà cho rằng việc này có thể do biến đổi khí hậu toàn cầu.

TS Bùi Thị An khuyên các bậc cha mẹ hạn chế cho con ra ngoài thời điểm hiện tại. Người già, những người có bệnh về đường hô hấp, sức khỏe yếu cũng nên ở trong nhà lúc này.

Ngoài ra, người lao động bắt buộc phải ra ngoài trời nên thường xuyên đeo khẩu trang, các dụng cụ cản bụi như mũ, khăn, kính mắt.

An Hạ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Hà Nội liên tục trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí?