Ô nhiễm môi trường biển đe dọa nguồn lợi thủy sản

Thu Hà|28/09/2020 06:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển và ngày càng trở nên nghiêm trọng đe dọa đến sự sống của con người và khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của nước ta chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông và được công nhận là một trong những vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên, địa chính trị quan trọng ở khu vực và thế giới.

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển nước ta vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày). Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.

Theo thống kê, trong 10 năm gần đây đã xảy ra trên 100 vụ tràn dầu do tai nạn tàu, dòng hải lưu di chuyển về phía bờ biển Việt Nam. Ngoài ra, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó có 20 – 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý.

Đầm làm muối ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi ngập trong rác

Mức độ ô nhiễm trên đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, từ đó tác động đến sinh kế của người dân vùng biển. Cụ thể, diện tích rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển khác.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%). Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, suy thoái hệ sinh thái thuỷ sinh…

Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như: các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp.

Đại dương đang là nơi hứng chịu lượng rác thải nhựa khổng lồ. Ước tính lượng rác thải nhựa đổ xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương. Những “đại dương ngập rác” sẽ giết chết những sinh vật biển bởi chưa có giải pháp nào xử lý được, trong khi phải mất rất nhiều thời gian để tự huỷ một cách tự nhiên.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%).

Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/hecta/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/hecta/vụ. Đáng nói, 1 hecta rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản thì hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.

Trước đó, Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến nay, tổng diện tích vùng biển thuộc các khu bảo tồn đã đi vào hoạt động là 133.766 hecta (11/16 khu), tương ứng 0,134% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, đạt 55,8% so với mục tiêu được phê duyệt.

Ngày 21/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi được quy hoạch gồm các thủy vực thuộc vùng nội địa và vùng biển, hải đảo trên lãnh thổ Việt Nam. Ðối tượng của quy hoạch là khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản; sản lượng khai thác, cơ cấu tàu cá, đối tượng khai thác, lao động, hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản…

Ðộng thái này được kỳ vọng sẽ tạo một bước ngoặt mới, quan trọng trong lĩnh vực khai thác, bảo tồn nguồn lợi thủy sản của đất nước trước mắt và lâu dài.

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cần có định hướng đúng đắn về bảo tồn và phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. Hy vọng, trong thời gian tới, tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản sẽ từng bước được khắc phục.

Ánh Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường biển đe dọa nguồn lợi thủy sản