Emagazines

Phân loại rác tại nguồn: Người dân “than khó”, không khả thi

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 16:08 21/01/2025

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc triển khai quy định này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

1920x1080-1.png

Người dân “than khó”

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều khu dân cư, người dân vẫn chưa thực sự nắm rõ các quy định về phân loại rác tại nguồn. Việc thiếu các hướng dẫn cụ thể về cách phân loại rác cũng khiến cho nhiều người dân còn bỡ ngỡ và không biết phải làm gì. Thậm chí, một số người còn chưa nghe đến quy định này. Ngoài ra, cũng có không ít người cảm thấy việc phân loại rác khá khó khăn và không khả thi.

capture(4).png
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, ở nhiều khu dân cư, người dân vẫn chưa thực sự nắm rõ các quy định về phân loại rác tại nguồn

Chị Nguyễn Như Lan (42 tuổi), một người dân sinh sống trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đồng ý với việc phân loại rác để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế ở đây vẫn chưa có thùng rác riêng biệt cho các loại rác. Thậm chí, ở khu chung cư của tôi, mọi người vẫn phải đổ tất cả vào một thùng chung. Làm sao có thể phân loại rác khi mà mọi thứ cứ trộn lẫn với nhau như thế? Việc này rất khó khăn và không khả thi đâu”.

z6249957912256_b9fda47e3de17b1b16b07507a3b037c2.jpg
Ở nhiều khu chung cư, tất cả rác thải vẫn đổ vào một thùng chung

Tương tự chị Lan, anh Hoàng Minh (28 tuổi), một cư dân sống tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cũng bày tỏ lo ngại: “Khi biết được thông tin về yêu cầu phân loại rác từ đầu năm nay, tôi đã lên mạng tìm hiểu một số thông tin, nhưng nói thật là tôi vẫn khá mơ hồ . Tôi chỉ biết có 3 loại rác cơ bản là rác hữu cơ, vô cơ và nguy hại. Tuy nhiên, tôi không biết phải phân loại như thế nào cho đúng, và thùng rác thì lại không đủ phân loại. Thậm chí, tôi nghĩ chưa chắc những người thu gom rác sẽ thu đúng các loại rác.”

z6249957939781_ebc5331dc4ece2697a55522d06662ab9.jpg
Đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân vẫn chưa được trang bị đủ thông tin và cơ sở vật chất để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn một cách hiệu quả

Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, nhiều người dân vẫn chưa được trang bị đủ thông tin và cơ sở vật chất để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn một cách hiệu quả. Mặc dù đã có những thay đổi trong nhận thức của một số người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nhưng việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Bùi Thủy (64 tuổi), một người dân sống tại quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết: “Tôi muốn làm đúng nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Các loại rác như giấy, nhựa, rác thải thực phẩm, tôi biết phải phân loại chúng, nhưng tôi không có thùng rác riêng biệt cho từng loại. Nếu nhà nước cung cấp thùng rác phân loại và địa phương hướng dẫn cụ thể hơn, tôi sẽ dễ dàng thực hiện hơn.”

z6232829030433_74e957a2dc14805096cfa89829a57ee1.jpg
Việc thiếu các hướng dẫn cụ thể về cách phân loại rác cũng khiến cho nhiều người dân còn bỡ ngỡ và không biết phải làm gì

Phản ánh về tình hình thực hiện phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM, PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cho biết, cũng giống như Hà Nội, ở TP.HCM, chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong việc phân loại rác. “Các địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trên thực tế, đa phần người dân vẫn chưa thực hiện việc này. Họ chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhiều người còn rất ngỡ ngàng khi được hỏi về cách thức phân loại rác, có những người còn chưa biết đến quy định này.” - PGS.TS Lê Hùng Anh thông tin.

thu-vien-2-hinh-anh.png
Tình hình thực hiện phân loại rác tại nguồn ở cả Hà Nội và TP.HCM đều chưa có sự chuyển biến rõ rệt

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo ngại về mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chị Huyền Thanh (31 tuổi), một người dân tại quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Việc phạt có thể là một giải pháp, nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để thực hiện với những hộ gia đình thu nhập thấp. Họ sẽ không hiểu và không biết cách thực hiện. Cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể chứ không chỉ là áp dụng hình phạt.”

capture(5).png
Những nhân viên vệ sinh môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu gom rác đối với rác thải chưa được phân loại

Ngoài những bất cập từ phía người dân, những nhân viên vệ sinh môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu gom rác. Anh Văn Quang (48 tuổi, Vĩnh Phúc), một công nhân vệ sinh tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng thu gom rác đúng cách, nhưng khi thùng rác vẫn là thùng chung, mọi thứ đều đổ vào đó. Nếu các thùng rác được phân loại riêng biệt, chúng tôi sẽ dễ dàng thu gom và xử lý rác đúng cách hơn.” Anh Quang cũng nhấn mạnh rằng, việc thiếu thùng rác phân loại và sự thiếu đồng bộ trong công tác thu gom rác gây ra rất nhiều khó khăn cho công việc của mình.

Thiếu sự đồng bộ và hướng dẫn rõ ràng

Theo các chuyên gia, việc triển khai phân loại rác tại nguồn không chỉ là trách nhiệm của người dân mà còn là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cụ thể cho người dân.

PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường nhận định, việc triển khai phân loại rác tại nguồn gặp phải nhiều khó khăn từ khâu chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho đến công tác tuyên truyền.

home-page.png

“Mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại rác là khá cao đối với những hộ gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, việc phạt tiền sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu không có sự hướng dẫn và hỗ trợ đầy đủ cho người dân. Việc áp dụng hình phạt chỉ có thể có tác dụng khi mọi người đều hiểu và thực hiện đúng quy định.”

PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường

Đồng tình với PGS.TS Lê Hùng Anh, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng chỉ ra rằng, việc thiếu đồng bộ trong quá trình triển khai phân loại rác tại nguồn là một trong những yếu tố lớn nhất khiến cho quy định này chưa hiệu quả.

white-simple-creative-quote-facebook-post-1-.png

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, công tác tuyên truyền về phân loại rác thải nguồn hiện nay chưa đủ mạnh và thiếu tính thực tiễn.

Người dân chưa hiểu rõ cách phân loại từng loại rác, chưa có đủ thông tin về các loại rác nguy hại và hữu cơ, vô cơ. Nếu không có những chỉ dẫn cụ thể, việc phân loại sẽ khó đạt được hiệu quả.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Phân loại rác tại nguồn là một bước quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng để quy định này thực sự đạt hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ các cấp chính quyền, các tổ chức và cộng đồng. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng là không chỉ là áp dụng các hình phạt mà còn cần một chiến lược tổng thể để tạo ra một hệ thống phân loại rác đồng bộ và hiệu quả.

Từ 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là hướng dẫn quan trọng để các địa phương triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý rác theo Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm:

+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thủy tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ)

+ Chất thải thực phẩm

+ Chất thải rắn sinh hoạt khác (Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác).

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phân loại rác tại nguồn: Người dân “than khó”, không khả thi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.