Pháp có thể "đánh rơi" 280 tỷ USD mỗi năm vì biến đổi khí hậu

Hà Mi|07/12/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Christophe Béchu nhấn mạnh việc Pháp không hành động vì khí hậu không chỉ gây ảnh hưởng đến GDP mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nông nghiệp của nước này.

Ngày 6/12, Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp (ADEME) cảnh báo nếu không hành động, nước này sẽ đối mặt với hậu quả kinh tế nghiêm trọng của việc Trái Đất ấm lên.

5-co2.png
Ảnh minh họa

Báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp đã nêu chi tiết những hậu quả của việc không hành động vì khí hậu đối với nền kinh tế Pháp.

Theo đó, nếu nhiệt độ trên toàn cầu tăng 3,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, những thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội của Pháp giảm 10 điểm phần trăm mỗi năm, tương đương 260 tỷ euro (gần 280 tỷ USD), so với giả thuyết tình trạng Trái Đất nóng lên sẽ không xảy ra.

Trong tổng số điểm phần trăm GDP bị mất đi này, có tới gần 6 điểm phần trăm là do ảnh hưởng của thiên tai xảy ra ở các khu vực trên thế giới.

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập cho biết nguồn vốn cần thiết để các nước đang phát triển thực hiện cam kết đến năm 2030 là gần 6.000 tỷ USD tuy nhiên nguồn vốn hầu như không vượt quá 100 tỷ USD mỗi năm.

Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Christophe Béchu nhấn mạnh việc Pháp không hành động vì khí hậu không chỉ gây ảnh hưởng đến GDP mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất nông nghiệp của nước này.

Ngoài kịch bản hoàn toàn không hành động vì khí hậu, báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp cũng cho biết trên thực tế, việc trì hoãn giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm tăng chi phí hằng năm cho toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Béchu, nếu Pháp không tăng cường nỗ lực thì vào năm 2030, nước này phải bổ sung ít nhất 5% GDP để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trước đó, tại cuộc đàm phán vào cuối ngày 4/12 Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các nước giàu chỉ cam kết đóng góp 160 triệu USD, tức chỉ bằng một nửa số tiền mục tiêu là 300 triệu USD cho Quỹ Thích ứng trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, một số quan chức cảnh báo rằng các nguồn lực để xây dựng khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao có thể được dồn sang Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại” vốn hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Việc chính thức khởi động Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại” đã được các nước nhất trí ngay trong ngày họp đầu tiên của COP28, qua đó giúp các quốc gia hoặc cộng đồng dễ bị tổn thương phục hồi sau những tác động không thể tránh khỏi của thiên tai, chẳng hạn như sửa chữa nhà cửa bị tàn phá sau cơn bão hoặc di dời người dân bị đe dọa vì nước biển dâng và bảo vệ các di sản văn hóa.

Trao đổi với báo giới, ông Mikko Ollikainen, người đứng đầu Quỹ thích ứng, nhận định có quá nhiều "động lực" chính trị xung quanh Quỹ "tổn thất và thiệt hại" đến nỗi các quốc gia đã thực sự nỗ lực để tìm kiếm nguồn lực đóng góp cho quỹ này.

Tuy nhiên, một số chính phủ đã viện dẫn việc phê duyệt khoản tài trợ cho Quỹ "tổn thất và thiệt hại" như một trong những lý do để cắt giảm đóng góp cho Quỹ Thích ứng.

Ông Ollikainen cảnh báo nếu ngân sách của Quỹ thích ứng không đủ, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu sẽ càng tăng lên.

Theo thống kê, tại COP26 ở Glasgow (Anh), Quỹ Thích ứng - vốn được thành lập vào năm 2001 và là quỹ toàn cầu hàng đầu cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu - đã huy động được khoản tài trợ được cam kết cao kỷ lục là 356 triệu USD, gấp đôi so với mức cam kết đóng góp được đưa ra cho đến nay tại COP28.

Tại COP26, các nước giàu cũng cam kết tăng gấp đôi nguồn tài chính cho các biện pháp thích ứng lên ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2025, nhưng kể từ đó đến nay chưa đạt được nhiều tiến bộ.

Theo Cơ quan Giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất kể từ năm 1940, thời điểm các số liệu bắt đầu được thống kê, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như hiện tượng thời tiết El Nino.

Hệ quả của tình trạng này là lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và sóng nhiệt diễn ra trên khắp thế giới, trong đó các quốc gia đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề nhất do khả năng chống chịu kém hơn.

Bất chấp thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng nguồn tài trợ cho các biện pháp thích ứng vẫn còn thấp so với nhu cầu toàn cầu và có dấu hiệu chững lại do nhiều quốc gia giàu có không thể tài trợ nhiều hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Một báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết nhu cầu và chi phí cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm được dự báo sẽ gấp từ 10 đến 18 lần so với nguồn tài chính thực tế sẵn có vào năm 2021 và nguồn tài trợ giảm 4 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2021.

Trong buổi họp báo mới đây, Thủ tướng Barbados Mia Mottley nhấn mạnh thế giới cần ngăn chặn thiệt hại và tổn thất trước khi các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và đó là lý do tại sao nguồn tài trợ cho các biện pháp thích ứng có ý nghĩa then chốt.

Bà Ebony Holland tại Viện Môi trường và Phát triển quốc tế, lưu ý rằng các chính phủ cũng phải chú ý đến bản chất của các quỹ thích ứng này, chẳng hạn như số tiền trợ cấp là khoản vay hay trợ cấp.

Bà cho biết các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của khí hậu mong muốn các nhà tài trợ cung cấp nhiều khoản tài trợ hơn là tín dụng giá rẻ cũng như đảm bảo sự hiệu quả của các nguồn tài trợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp có thể "đánh rơi" 280 tỷ USD mỗi năm vì biến đổi khí hậu