Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 1: Chính sách và thực trạng

Thu Hà|10/08/2024 20:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng chủ đạo hiện nay. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Hệ thống chính sách phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.

Về tổng thể, phát triển nông nghiệp xanh mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…

Đặc biệt, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.

w_co-an.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết: "Mục tiêu nông nghiệp xanh là mục tiêu chắc chắn mà nước ta phải phát triển. Bởi nông nghiệp xanh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân".

"Để phát triển nông nghiệp chúng ta cần nhiều các điều kiện về đất trồng, nguồn nước, giống cây trồng hay phân bón. Nếu muốn phát triển nông nghiệp xanh thì tất cả đều phải xanh. Đầu tiên là đất phải không ô nhiễm, nước tưới không ô nhiễm, phân bón phải là phân bón không ô nhiễm, giống thì phải lựa chọn giống thích hợp với điều kiện và năng suất cao", PGS.TS Bùi Thị An cho biết thêm.

Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ. Có thể kể đến, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.

Để triển khai Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra 3 nhóm chính sách: 1) Nhóm chính sách quy định trực tiếp đến nông nghiệp xanh (bao gồm quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường); 2) Nhóm chính sách là các công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường (gồm giấy phép khí thải các-bon, trợ cấp hỗ trợ việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, hình thành các Quỹ Bảo vệ môi trường, áp dụng các loại phí bảo vệ môi trường và thuế sử dụng tài nguyên); 3) Nhóm chính sách liên quan đến công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức (bao gồm việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, công bố các trường hợp gây hại môi trường đối với cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức...).

ttl.20221007091406.976.jpg
Nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đề án đặt ra mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Tiếp đó, tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành Nông nghiệp là tiền để thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững như: 1) Cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; 2) Tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.

Ngay sau COP26, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững yêu cầu: Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

Cùng với đó, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM…) trong những năm gần đây tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi....

Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.

Ngay sau đó, tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững... Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050.

Với các chủ trương, chiến lược, chính sách nói trên, tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thách thức trong phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Do đó, nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt Nam có thể tiệm cận với nông nghiệp xanh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”.

W_ts-liem-1.jpg
TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT)

Phân tích về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT) cho biết: Có thể thấy, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số điểm cần được tháo gỡ trong quá trình phát triển, đó là:

Thứ nhất về cơ chế chính sách. Hiện nay, Đảng và Chính phủ và các Bộ ngành rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả những chính sách cần phải cụ thể và thực tế hơn. Đặc biệt, cần có khung chính sách khuyển khích cụ thể để có sự ràng buộc giữa các đối tác/hợp phần trong 1 chuỗi sản xuất.

Thứ hai, nền sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và mang tính manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ sâu về chuỗi sản xuất. Chuỗi liên kết trong sản xuất trồng trọt nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ hình thành ở một số ngành hàng sản xuất nông sản xuất khẩu trọng điểm ví dụ như: Lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su,…

Thứ ba, tác động của biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp. Có thể thấy, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cả một hệ sinh thái diện rộng. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều vùng sản xuất sẽ phải quy hoạch lại và tìm những cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mới.

cay-ho-tieu.jpg
Việc quy hoạch vùng sản xuất đang gặp nhiều khó khăn

Thứ tư, việc quy hoạch vùng sản xuất đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ về việc phát triển hồ tiêu. Theo Quyết định số 1442 ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì diện tích hồ tiêu ổn định là trên 50.000 ha, trong đó 47.000 ha cho sản phẩm, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn, sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao đạt 90%. Nhưng khi hồ tiêu có giá bán cao đạt xấp xỉ 180.000 – 200.000 đồng/kg thì người nông dân đã phá bỏ vườn cao su, cà phê và nhiều cây trồng khác để trồng hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu gia tăng nhanh dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ. Tính đến 9/2014, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 80.000 ha, vượt 60% so quy hoạch..

Thứ năm, thói quen sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp còn phổ biến.

Thứ sáu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gặp phải một số vướng mắc nhất định.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. DN trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp xanh là vô cùng khó khăn.

Việt Nam đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Việc các thông tin về chi phí đầu vào, giá cả đầu ra vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thương lái, chưa có kênh truyền dẫn chính thống từ các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý đến người nông dân trong việc tiếp cận thị trường thế giới và hạn chế những rủi ro trong quá trình thích ứng với các thay đổi ngoại vi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đặc biêt, nguồn nhân lực có trình độ để có thể tiếp cận và ứng dụng những cái mới trong sản xuất mình còn đang thiếu.

Thứ bảy, thiếu nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh.

Vì vậy, để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 1: Chính sách và thực trạng