Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND TP có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TP cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội.
Trung bình Hà Nội ghi nhận 2.371 ca bệnh/ngày
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong kỳ báo cáo (7-13/4/2022) Hà Nội ghi nhận 16.595 ca mắc, 3 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 2.371 ca bệnh/ngày, giảm 65,9% so với kỳ báo cáo trước. Cộng dồn đến 18 giờ ngày 13/4/2022, Hà Nội đã ghi nhận 1.529.061 ca mắc, 1.391 trường hợp tử vong (0,09%).
Sở Y tế nhận định, trong nhiều tuần gần đây, TP ghi nhận tình hình dịch giảm nhanh cả ở số mắc, số chuyển nặng, số tử vong. Đây là thành quả của chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn, công tác triển khai quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đến nay, TP đã tiêm được 18.138.265 mũi; trong đó tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 228.804 mũi (100%), tổng số mũi nhắc lại đã tiêm 4.336.270 mũi (96,43%). Ngoài ra, TP đã tiêm tại nhà được 23.342 cho các đối tượng nguy cơ cao không thể tới được các điểm tiêm chủng. Hiện TP đang điều trị cho 140.290 bệnh nhân ở tầng 1 (99,66%); 402 người ở tầng 2 (0,29%); 76 người ở tầng 3 (0,02%).
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương cho biết, Sở đang triển khai các phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động phát triển kinh tế có lộ trình kiểm soát, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các quận huyện trên địa bàn TP đã chủ động nguồn cung ứng hàng hóa đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, kể từ ngày 13/4, toàn bộ 2.835 trường học với hơn 2 triệu học sinh trên địa bàn TP đã trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, đối với cấp học mầm non có hơn 500 nghìn học sinh và 1.159 cơ sở giáo dục mầm non; hơn 2 nghìn nhóm lớp mầm non tư thục đã trở lại trường học. Qua kiểm tra cho thấy, trong ngày đầu đón trẻ các trường mầm non đều bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo tâm lý thoải mái nhất để phụ huynh và học sinh đến trường vui vẻ. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục của TP về tăng cường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi học sinh học bán trú trở lại.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện Long Biên, Tây Hồ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì… cho biết, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn trong tuần qua giảm sâu và đa số đều có triệu chứng nhẹ. Trong khi đó, học sinh các cấp đã trở lại trường học trực tiếp đạt tỷ lệ cao và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó vận động người dân tiêm đủ các mũi vaccine…
Công khai các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết: “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022 được triển khai trên toàn TP từ ngày 15/4 đến 15/5. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đáng chú ý, “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó là phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Sở Y tế, để tăng cường hiệu quả “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm TP kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Đối với “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, đơn vị sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục của thành phố để triển khai sự kiện này. Trong đó, Sở GD&ĐT tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, đặc biệt là các nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin của nhà trường hiểu rõ những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở giáo dục có bếp ăn, căng tin để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Còn đại diện Sở NN&PTNT cho biết, để thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như triển khai hiệu quả “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, các địa phương tăng cường chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ nông sản. Trong đó, Sở tập trung hỗ trợ hoạt động chế biến tiêu thụ nông sản cũng như công tác bảo đảm an toàn vệ sinh đối với nguồn cung thực phẩm cho các bếp ăn ở trường học.
Về triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, đại diện Sở Công Thương cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch với chủ đề tiếp tục nâng cao vai trò của người sản xuất kinh doanh tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó, Sở đang chuẩn bị tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn của TP năm 2022 với quy mô 150 gian hàng, gồm các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP trong thời gian từ 26/4 – 2/5/2022 tại trung tâm thương mại Melinh Plaza Hà Đông, Hà Nội.
Bảo đảm an toàn khi tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, trong những tuần gần đây, các ca bệnh giảm sâu, cơ bản đã vượt qua đỉnh dịch. Hiện các bệnh viện đã chủ động khống chế được bệnh nhân nặng. Thời gian tới, sẽ tiếp tục xuất hiện các ca bệnh, song dự báo ở mức độ nhẹ và được giám sát tại nhà. Theo Giám đốc Sở Y tế, đến nay, tất cả các hoạt động đã được mở cửa trở lại (trừ hoạt động vũ trường); học sinh tất cả các cấp cũng đã trở lại trường học trực tiếp… Điều này khẳng định, Hà Nội đã thực hiện tốt “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành Y tế tiếp tục giải trình tự gen và giám sát các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm biến thể phụ của chủng Omicron (đa phần ở thể nhẹ). Triển khai tốt tiêm chủng mũi 3; tích cực làm việc với Bộ Y tế để sớm nhận được vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi và phân bổ đến các quận, huyện, thị xã; tập huấn cán bộ y tế để tổ chức tiêm an toàn cho trẻ em; các quận, huyện, thị xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động tiêm chủng đối với người chưa tiêm chủng…
Liên quan đến việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, ngành Y tế tích cực triển khai với các nội dung cụ thể, thiết thực và có hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời, công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tập trung đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế – xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, trong tuần qua số ca mắc Covid-19 giảm đáng kể trên địa bàn TP nên các hoạt động đến nay cơ bản trở lại bình thường. Nhấn mạnh rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mà phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, TP nhằm kiểm soát tình hình dịch, không để tăng số ca chuyển tầng và tử vong. Đồng thời, các địa phương cần duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo, các Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà để không xảy ra các tình huống bất ngờ về dịch bệnh.
Cùng với đó, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình địa phương. Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành tiêm vaccine mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân, trong đó chú trọng các đối tượng nguy cơ cao, mắc bệnh nền; chuẩn bị tốt công tác tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở TT&TT cần đẩy mạnh thông tin về công tác phòng, chống dịch; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để bảo đảm sự thống nhất trong công tác phòng, chống dịch. Đối với Sở GD&ĐT cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác phòng, chống dịch tại các trường học, trong đó phối hợp với Sở Y tế để thực hiện tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường theo quy định của TP. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động phương án “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch; rà soát và vận động các đối tượng nguy cơ cao tiêm chủng.
Đối với việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP, trong đó khẩn trương triển khai sự kiện này trên địa bàn. Cho rằng vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm làm công việc thường xuyên, liên tục, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Nguyễn Ngọc