Nhân chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới khai mạc ngày 22/6 tại Paris, Pháp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng cán bộ, nhân viên đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Paris (Pháp).
Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã báo cáo một số nét hoạt động chính của sứ quán, các cơ quan đại diện, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác trên địa bàn, cũng như nỗ lực, quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mỗi khi có dịp đến thăm đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp, ông luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm với công việc của cán bộ, nhân viên, người lao động, "giống như đang ở quê nhà".
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong công tác chuẩn bị cho Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh về hiệp ước tài chính toàn cầu mới, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu là thách thức mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp sau đại dịch COVID-19, chủ nghĩa đa phương đang dần chia tách, phân mảnh, các nguồn tài nguyên, nhiên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt.
Năm 2015, lần đầu tiên các quốc gia thừa nhận thế giới đang đứng trước thách thức mang tính sống còn và phải thay đổi với Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, được ví như một "cuộc chiến" có một kẻ thù chung, nhân loại cùng chung tay hành động. Thế giới đang ở thời khắc quá trình chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp; từ năng lượng hoá thạch (sử dụng than, dầu mỏ, khí đốt) sang năng lượng tái tạo (gió, ánh nắng mặt trời).
Tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), năm 2022 (COP27) tập trung thảo luận những giải pháp nhằm hiện thực hoá các mục tiêu của Thoả thuận Paris, như giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (netzero), chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo… Cùng với đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang trở thành 2 xu hướng lớn trên thế giới, bởi nếu phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì nhân loại phải cần tới 2-3 trái đất trong tương lai.
Vì vậy, mô hình kinh tế mới, tài chính mới sẽ quyết định sự phát triển của thế giới hiện tại và tương lai khi mà tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hoá thạch chắc chắn sẽ cạn kiệt, nhường chỗ cho tài nguyên số, tài nguyên năng lượng tái tạo.
Vấn đề đặt ra là phải huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các thể chế đa phương, nhằm gắn kết các quốc gia, bất chấp sự khác biệt, xung đột lợi ích nhằm cùng nhau vượt qua những thách thức có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Một trong những mục tiêu để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu là cần hình thành các thể chế đa phương mới gắn kết với các thể chế đa phương đã có; đồng thời tạo cú hích thay đổi chiến lược hoạt động của các tổ chức tài chính đa phương. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh về hiệp ước tài chính toàn cầu mới.
Từ đó tập hợp các nguồn lực theo cam kết, đưa ra những ưu tiên, có cơ chế giám sát, quản lý, sử dụng công khai, minh bạch, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thực hiện netzero thông qua chuyển đổi năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.
"Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một quá trình đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học và chỉ còn giai đoạn ngắn để giải quyết vấn đề công nghệ, từ đó góp phần giải quyết vấn đề biến đổi đổi khí hậu tác động đến an ninh lương thực, sự đa dạng hệ sinh thái…", Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng cho biết, mặc dù Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có phát thải khí nhà kính trên GDP thấp, nhưng, cam kết của Việt Nam trong Thoả thuận Paris là một cuộc cách mạng, trong khi nhu cầu năng lượng để phát triển rất lớn. Và năng lượng tái tạo là chìa khoá giúp những nước đi sau như Việt Nam có thể tăng tốc rất nhanh, thực sự phát triển nhanh, bền vững. Cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng vào những bước tiến của Việt Nam tại COP28, "đã nói là làm".
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi cán bộ ngoại giao phải trở thành một đại sứ về biến đổi khí hậu, tìm kiếm những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Những nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng để sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh), các loại hàng hoá tận dụng lợi thế từ chính sách thuế carbon, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về năng lượng sạch, sản xuất…
Trao đổi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước, Phó Thủ tướng cho biết, trước những khó khăn của sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hoá ở nhiều nước, nguồn vốn FDI giảm, Chính phủ đang thúc đẩy những động lực phát triển mới từ tái cấu trúc thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước; tăng đầu tư công vào hạ tầng, tạo không gian phát triển mới…
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh thực hiện thí điểm những dự án năng lượng tái tạo theo Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), từ đó hoàn thiện các cơ chế, hành lang pháp lý theo hướng "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thu hút nguồn vốn FDI.
Dẫn thành công của chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch năng lượng tái tạo ở Vương quốc Anh, Phó Thủ tướng cho rằng netzero hay chuyển đổi hoàn toàn năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo hoàn toàn khả thi. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết bài toán giá thành sản xuất năng lượng phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng chi trả của người dân Việt Nam.
"Chúng ta cần lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện, sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh). Đây là nhiệm vụ của các bộ, ngành và cả các sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài", Phó Thủ tướng trao đổi.
Trước yêu cầu cần thực hiện công tác quản lý theo mục tiêu, kết quả thay vì "một rừng thủ tục", Phó Thủ tướng "đặt hàng" các sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước sở tại, đề xuất giải pháp, cơ chế quản lý hữu hiệu đối với nhiều vấn đề "nóng" ở trong nước hiện nay, như: Cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch, kiểm định xe cơ giới, quy định phòng cháy, chữa cháy, định giá đất đai…
"Có những lĩnh vực cần đầu tư lớn để nghiên cứu cơ bản, nhưng có những vấn đề phải học hỏi kinh nghiệm, như trong chuyển đổi số, kinh tế số, Việt Nam đi sau nhưng có thể về trước với việc tiếp cận công nghệ 4G - 5G, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật… từ những nước phát triển khoa học công nghệ như Pháp", Phó Thủ tướng gợi mở.