Sáng 24/5, tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay của tỉnh vẫn là công suất xét nghiệm. Dù đã được nâng lên nhiều nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên hiện mỗi ngày tỉnh vẫn còn tồn lại 20.000-30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả.
Bắc Giang ghi nhận một ca mắc Covid-19 tử vong sinh năm 1983, là công nhân. Bệnh nhân nhập viện bình thường, sau một tuần chuyển biến nặng và tử vong trên đường chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phải yêu cầu tất cả người làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và các nhà máy thực hiện khai báo y tế.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết nhân lực và trang bị trong trường hợp hồi sức tích cực với bệnh nhân nặng của tỉnh còn hạn chế. Dự báo tỉnh có 5% bệnh nhân nặng và 2% trong số này có thể tử vong.
Bắc Giang và Bắc Ninh đang lên phương án để mở cửa cho các nhà máy, khu công nghiệp hoạt động trở lại có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Theo đó, tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo đã nêu các khuyến nghị để mở cửa trở lại, duy trì sản xuất an toàn cho các nhà máy, khu công nghiệp. Ngoài việc tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, các nhà máy, khu công nghiệp phải thực hiện phân vùng khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân, để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng lập tức, xét nghiệm trả kết quả trong vòng 24 giờ, những bộ phận, khu vực khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.
Các công nhân phải khai báo y tế, được theo dõi sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ với sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp cùng với Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cần có những quy định cụ thể để hạn chế số người tiếp xúc của mỗi công nhân, hết sức chú ý đến những bộ phận gián tiếp, hành chính vốn tiếp xúc nhiều với các phân xưởng, khu vực sản xuất khác nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần thì phải có chính sách linh hoạt hơn. Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn, với những trường hợp công nhân nghi mắc đã được cách ly chặt chẽ tại nơi ở, đồng thời có xe đưa đón đi làm và bố trí sản xuất an toàn thì sẽ “an toàn hơn” là dừng hoạt động toàn bộ một nhà máy, KCN và đưa mấy chục nghìn con người vào các khu cách ly trung.
“Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh. Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút kinh nghiệm, để khi thực hiện tốt sẽ triển khai toàn quốc”, Phó Thủ tướng nói.
Qua kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh/thành phố làm việc, phổ biến quy định phòng, chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp có đông công nhân, đặc biệt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm.”
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất nhưng các địa phương chỉ “khoán gọn” cho ngành Y tế.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp.
Hà An