Phong trào nhà nhà an toàn, thị trấn an toàn ở Cà Mau

Mai Hạ|19/06/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

“Nhà tôi an toàn”, “thị trấn an toàn” là những mô hình về việc giữ gìn vệ sinh môi trường từ gia đình đến đường làng, ngõ xóm và công tác phòng cháy, chữa cháy đang triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực khi nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo người dân.

Tuyến đường “Nhà tôi an toàn”

Tuyến đường “Nhà tôi an toàn” được phụ nữ thị trấn U Minh, huyện U Minh (Cà Mau) triển khai từ năm 2023 ở Khóm 2, với chiều dài 2 km, có 52 hộ sinh sống. Theo quy định, khi tham gia vào mô hình “Nhà tôi an toàn”, các hộ gia đình phải đảm bảo một số điều kiện như: có thùng chứa rác và phân loại rác thải sinh hoạt trong gia đình; có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; tham gia trồng hàng rào cây xanh... giữ cho nhà sạch, ngõ đẹp, an toàn.

19-cmau.png
Tuyến đường “Nhà tôi an toàn” góp phần thay đổi diện mạo vùng quê

Chị Ðoàn Oanh Muội, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 2, cho biết: “Mô hình tuyến đường “Nhà tôi an toàn” được triển khai hơn một năm nay đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê. Các hộ trồng hoa, hàng rào cây xanh nối liền nhau, mỗi nhà đều có thùng phân loại rác thải tại nguồn; hiện có 32/52 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và số lượng này tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới”.

Hộ gia đình chị Trần Thị Bé Hai là một trong những hộ hội viên đi đầu trong xây dựng nhà sạch, ngõ đẹp ở Khóm 2. Chị tích cực trồng cây xanh, hoa để tạo cảnh quan. Trước cổng nhà được phủ kín bởi hàng rào bông trang đẹp mắt, lối vào nhà nổi bật với nhiều chậu hoa các loại đẹp mắt như: quỳnh anh, mào gà, cúc...

Chị Bé Hai chia sẻ: “Tôi luôn ý thức việc giữ cảnh quan quanh nhà, đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Theo tôi, đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, cùng góp sức tô điểm quê hương”.

Chị Bé Hai còn đi đầu trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường. Chị cho biết: “Tôi trang bị 2 thùng rác để phân loại, rác hữu cơ như rau củ quả hay đồ ăn thừa sẽ chứa vào một thùng; rác vô cơ như phế liệu, ve chai sẽ đựng thùng riêng. Việc xử lý rác như vậy rất có ích, vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được rác có khả năng sử dụng lại”.

Trên tuyến đường "Nhà tôi an toàn" còn thành lập tổ hùn vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo đó, mỗi tháng hội viên sẽ đóng góp 500 ngàn đồng và rút thăm, hộ trúng thăm sẽ dùng tiền hùn vốn này xây nhà vệ sinh ngay trong tháng. Với cách làm này, hiện tại có 32/52 hộ trên tuyến xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hội viên phụ nữ trên tuyến đường "nhà tôi an toàn" đi đầu trong xây dựng nhà sạch, ngõ đẹp tích cực trồng hàng rào cây xanh.

Chị Phạm Thị My, Khóm 2, chia sẻ: "Nhờ tham gia tổ hùn vốn, gia đình tôi có điều kiện xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Vì nhà tôi có trẻ nhỏ và người lớn tuổi nên nhà tiêu hợp vệ sinh tạo thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày. Qua đó còn góp phần bảo vệ môi trường”.

Không chỉ tích cực giữ nhà sạch, ngõ đẹp, xây dựng gia đình văn minh, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, Chi hội Phụ nữ Khóm 2 còn hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, từ đó đời sống chị em ngày càng cải thiện. Riêng trên tuyến đường “Nhà tôi an toàn” không còn hội viên nghèo, cận nghèo.

Là hộ cuối cùng thoát nghèo trên tuyến, hộ chị Phạm Thị Tèo, Khóm 2, nay vươn lên ổn định cuộc sống. Vì không có đất sản xuất nên trước đây gia đình chị hết sức khó khăn, thu nhập bấp bênh. Chi hội Phụ nữ khóm đã tạo điều kiện cho chị tham gia hùn vốn xoay vòng, có vốn tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Chị Tèo kể: “Tôi được chị em nhường phần nhận tiền hùn vốn xoay vòng lần đầu tiên, với 15 triệu đồng, tôi thuê đất trồng rau màu luân canh, nhờ đó có thu nhập quanh năm. Một năm từ khi thuê đất sản xuất, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều. Thấy cuộc sống không còn khó khăn, vợ chồng tôi làm đơn xin thoát nghèo”.

Chị Nguyễn Hồng Tươi, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn U Minh, cho biết: “Tuyến đường “Nhà tôi an toàn” đã hình thành nếp sống văn minh cho nhiều hộ gia đình. Với những hiệu quả mang lại, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn các khóm, góp phần cùng địa phương xây dựng đô thị văn minh”.

Nhà nhà an toàn, thị trấn an toàn

Đó là phương châm mà lãnh đạo chính quyền thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời đang triển khai tới từng hộ gia đình, từng hộ kinh doanh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC với nhiều hình thức, đa dạng nội dung, thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân.

19-ca-mau-1.png
Các lực lượng phối hợp kiểm tra nhà lồng chợ và hướng dẫn người sử dụng bình chữa cháy xách tay

Theo ông Trịnh Việt Khái, Chủ tịch UBND thị trấn Trần Văn Thời, ngay từ đầu năm 2024, UBND thị trấn Trần Văn Thời đã triển khai kế hoạch phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo đó, lực lượng công an phối hợp với Ban Quản lý chợ kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh mua bán tại chợ, nhà ở kết hợp kinh doanh, khu dân cư về thiết bị truyền tải điện, cũng như trang bị phương tiện chữa cháy... Ðồng thời, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH).

Theo ông Trịnh Việt Khái, thị trấn Trần Văn Thời đang tăng tốc phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không ngừng gia tăng, với nhiều loại hình kinh tế mới; vật tư, nguyên liệu, chất dễ cháy cũng được sử dụng nhiều. Thế nhưng, không ít chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất còn chủ quan việc phòng ngừa cháy, nổ. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật về PCCC và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều điểm mới trong phân cấp quản lý công tác PCCC thuộc thẩm quyền cơ sở, nên khó khăn cho lực lượng kiểm tra.

Tuy nhiên, huy động sức mạnh toàn dân PCCC, với phương châm “Nhà nhà an toàn thì thị trấn an toàn”, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC với nhiều hình thức, đa dạng nội dung, thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân.

Bà Trần Hồng Tân, Trưởng khóm, Tổ trưởng Tổ Liên gia an toàn PCCC Khóm 9, cho biết: “Hiện tại, ngoài trang bị phương tiện chữa cháy xách tay, dụng cụ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ (búa, xà beng, kìm cắt cộng lực...), tới đây, tổ sẽ trang bị thêm máy bộ đàm để các thành viên kịp thời liên hệ trong quá trình hỗ trợ PCCC&CNCH”.

Ông Lê Bình An, Trưởng ban Quản lý chợ Rách Ráng, thị trấn Trần Văn Thời, thông tin: “Chợ hiện có hai khu với gần 70 tiểu thương. Ðược tuyên truyền, tìm hiểu thông tin, các tiểu thương đã ý thức hơn, hầu hết đã trang bị bình chữa cháy xách tay, hạn chế tối đa việc đốt nhang thờ cúng ở nơi kinh doanh, cẩn thận trong truyền tải điện sinh hoạt... Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng quản lý chặt chẽ hệ thống điện sinh hoạt chung trong toàn khu chợ, trang bị và thường xuyên vận hành phương tiện chữa cháy, đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố xảy ra. Ðồng thời, phân công lực lượng trực 24/24 để kịp thời thông tin và xử lý tình huống bất ngờ”.

Ðể thực hiện hiệu quả công tác PCCC, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và đề cao phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy). Vậy nên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động Nhân dân ý thức chấp hành các quy định về PCCC và việc xây dựng các phương án, thực hiện các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ phải được thực hiện song hành.

Trung tá Nguyễn Hoàng Phúc, Phó trưởng Công an thị trấn, cho biết: "Ðơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, tổng rà soát, đánh giá phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Kiện toàn lực lượng dân phòng, Tổ PCCC các khóm và tổ chức thực tập phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại các chợ, khu đông dân cư... Xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với tham gia công tác PCCC&CNCH”.

Mặt khác, thị trấn tăng cường quản lý Nhà nước trong quy hoạch dân cư gắn với quy hoạch hạ tầng PCCC. Giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế PCCC, đặc biệt là cơ sở xây dựng mới hoặc đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh... phải xem xét chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định.

Ðồng thời, thị trấn chỉ đạo các trưởng khóm thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, vận động người dân trang bị bình chữa cháy xách tay, tự nguyện tham gia các mô hình do khóm tổ chức, nhằm tạo chuyển biến, phát huy hiệu quả công tác PCCC ngay từ cơ sở...

“Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện vài cơn mưa làm dịu đi không khí oi bức kéo dài từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, không vì thế mà thị trấn lơ là PCCC. Ðây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Trịnh Việt Khái khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào nhà nhà an toàn, thị trấn an toàn ở Cà Mau