Quản lý tài nguyên nước hiệu quả cho phát triển bền vững quốc gia

Tuấn Kiệt|22/03/2023 16:28

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững của mọi quốc gia trên thế giới.

Nguồn nước cần thiết cho cuộc sống và chìa khóa phát triển bền vững

Nói về vai trò quan trọng của nước đối với cuộc sống và cho phát triển bền vững của quốc gia, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: “Ngày nước Thế giới năm 2023 Thúc đẩy sự thay đổi”: Mọi sự sống trên hành tinh này đều cần phải có nước, không có nước sẽ không có sự sống. Đặc biệt, trước tác động của biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất, thiên tai, lũ lụt khiến cho nguồn tài nguyên nước bị suy thoái, cạn kiệt. Bên cạnh đó, nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt, ý thức của con người đã tác động đến việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Vì vậy, hiện nay vấn đề nước đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

quan-ly-tai-nguyen-nuoc-9.jpg
Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Ngày nước Thế giới năm 2023 Thúc đẩy sự thay đổi”

Theo tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2012, tất cả các khu vực trên thế giới đều chịu tác động, các hiện tượng cực đoan có liên quan đến nước. Vấn đề nước bao gồm tình trạng lũ lụt, hạn hán và hàng tỷ người không có đủ nước ngọt để sử dụng, đặc biệt là khu vực Nam Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Trung Á. Khoảng 3,6 tỷ người đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt để dùng ít nhất 1 tháng trong năm. Dự báo con số này có thể lên đến 5 tỷ người vào năm 2050, nghĩa là vượt quá ½ dân số thế giới. Theo nhiều nhận định thế kỷ 21 "nước là vàng". Bên cạnh đó, tình trạng xung đột, tranh chấp nguồn nước đang là vấn đề nóng trên thế giới.

Tại Việt Nam, tổng dòng chảy hàng năm khoảng 844 tỷ m3, tổng trữ lượng nước ngầm khoảng 9,1 tỷ m3/năm. Tài nguyên nước của Việt Nam tuy khá dồi dào nhưng phân bổ không đồng đều theo cả thời gian và không gian. Tình trạng thiếu nước ngọt, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng. Khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sâu hơn và gay gắt hơn. Các thảm họa như lũ ống, lũ quét, sạt lở, nước biển dâng đã phát triển không nhỏ đến phát triển bền vững của đất nước và sức khỏe con người.

Do vậy, tài nguyên nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Nguồn nước dồi dào nhưng phân bổ không đều, phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài, tình trạng đắp đập, ngăn dòng, xây dựng các công trình thủy điện, làm cho nguồn nước ở nhiều vùng bị cạn kiệt và ảnh hưởng như: Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên xuất hiện tình trạng thiếu nước, đặc biệt trong mùa khô. Điều này đe dọa đến sản xuất, kinh tế, phát triển bền vững đất nước. Đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là nhóm người yếu thế, người nghèo, người già và trẻ nhỏ.

Nhiều hệ lụy từ suy kiệt nguồn nước

Suy kiệt nguồn nước để lại hệ quả rất lớn, là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, tranh chấp ở cấp quốc gia và khu vực, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người nghèo. Ông vẻ lấy ví dụ: Vùng sa mạc tại châu Phi, 1 người cần 20l/ngày; Trong khi đó ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ là 600l/ngày; Ở Việt Nam khoảng 200l/ngày. Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng thế giới, hiện nay mỗi ngày trên thế giới có khoảng 5.000 trẻ em, phụ nữ tử vong do các bệnh liên quan đến nước.

quan-ly-tai-nguyen-nuoc-10.jpg
Nước đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam

Tại Việt Nam nguồn nước đang bị ô nhiệm, suy thoái, cạn kiệt cả về quy mô và mức độ đã đe doạn tới an ninh nguồn nước và phát triển đất nước. Trước thực tế đó năm 2022, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 36 về đảm bảo an ninh nguồn nước. Tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang diễn ra trầm trọng, lượng nước đang thiếu so với dòng chảy bình thường, làm cho khu vực hạ du thiếu hụt nguồn nước gây ra suy thoái, ô nhiễm môi trường sinh thái và môi trường nước.

Những năm trước đây, khu vực nông thôn hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải. Có thể nói tình trạng ô nhiễm nguồn nước nông thôn đang trong tình trạng đáng báo động. Nguồn nước thải đô thị cũng mới xử lý được lượng rất nhỏ, khoảng trên 20% tổng lượng nước thải đô thị. Tiếp đến là nguồn nước thải từ các làng nghề đổ ra các sông, kênh, rạch gây ô nhiễm nước mặt và nước ngọt. Hạn hán xảy ra vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc gây ra nhiều khó khăn, tác động mạnh làm đời sống người dân các khu vực này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Từ đó có thể thấy, suy thoái nguồn nước dẫn đến đói nghèo, bất bình đẳng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo tài nguyên nước sở hữu toàn dân

Trong thời gian tới, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đặt ra nhiều vấn đề lớn để bảo vệ nguồn nước, phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Ông Nguyễn Văn Vẻ nói thêm: Các cơ quan quản lý Nhà nước đang triển khai lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) năm 2012. Dự kiến được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp lần thứ 6. Nếu được thông qua, việc áp dụng luật từ tháng 1/2025, chậm nhất là tháng 7/2025. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo tài nguyên nước sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, được khiến định trong hiến pháp 2013. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, các lĩnh vực. Việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Việc tạo hành lang pháp lý là cơ sở hoạch định việc sử dụng nguồn nước hợp lý. Nước là tài nguyên phải đặt ra yêu cầu khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Khi con người tác động đến nguồn nước, sử dụng nước là phải trả phí nguồn nước.

Truyền thông nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Theo UB Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, tổng lượng khối lượng chất thải 142 triệu tấn/năm; nước thải khoảng 681 triệu m3 /ngày nhưng việc khai thác, sử dụng và xử lý còn bất cập; Sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ở mức báo động, sử dụng phân bón hóa học khoảng 10 triệu tấn/năm. Các yếu tố trên là nguyên nhân gia tăng nguy cơ ô nhiễm nước ngầm và nước mặt. Buộc chúng ta cần phải chuyển sang nền sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ nguồn nước.

quan-ly-tai-nguyen-nuoc-8.png
Ngưới dân Cao Bằng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm . Ảnh: Huy Bình

Trước thực trạng và các thách thức kể trên, ông Nguyễn Văn Vẻ đề xuất 4 giải pháp nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả như sau:

Một là, giải pháp đưa chính sách pháp luật nói chung, trong đó các chính sách pháp luật liên quan đến nguồn nước đi vào cuộc sống là công tác truyền thông. Công tác truyền thông đi trước sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, cộng đồng trong sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, quy định liên quan đến tài nguyên nước để các cơ quan, doanh nghiệp và mỗi cá nhân nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng của nước trong cuộc sống và phát triển đất nước. Có thể đa dạng hóa trên các kênh thông tin, truyền thông như báo đài, trang thông tin điện tử, các CLB, mô hình cộng đồng. Việc tuyên truyền cần có biện chứng, đa chiều: Biểu dương, cổ vũ gương người tốt việc tốt, các tấm gương tiêu biểu trong sử dụng, bảo vệ, nghiên cứu và ứng dụng nguồn nước hiệu quả. Đồng thời cũng cần lên án những hành vi xâm hại, làm nguồn nước suy kiệt, ô nhiễm, sử dụng nước không tiết kiệm, kém hiệu quả; Kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp bảo vệ nguồn nước.

Hai là, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, người dân, cộng đồng Tham gia giám sát, quản lý nguồn nước ở địa phương trên địa bàn dân cư. Ví dụ xả thải, khoan giếng khai thác nước ngầm, sử dụng nguồn nước kém hiệu quả.

Từng hộ dân, gia đình, cơ quan tổ chức tham gia bảo vệ nguồn nước nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, giảm thiểu tác động của ô nhiễm nguồn nước. Ví dụ các cơ sở chăn nuôi phải có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nước thải, tránh xử lý ô nhiễm ra sông ngòi ra môi trường.

Ba là, cần quan tâm đến công tác truyền thông, chúng ta phải bố trí nguồn lực hợp lý, đặc biệt là kinh phí phục vụ công tác truyền thông. Nguồn kinh phí có thể từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, tùy theo lĩnh vưc, địa bàn để thực hiện

Bốn là, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có liên quan đến nhiều luật, trong đó có 7 luật điều chỉnh trực tiếp liên quan đến tài nguyên nước: Luật Thủy lợi, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển. Để hoàn thiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần đánh giá tác động của luật này đối với các luật khác để đảm bảo các luật, quy định đồng bộ, tránh chồng chéo; Các cơ quan soạn thảo nên soạn các điều viện dẫn các luật có liên quan để người dân dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước hiệu quả cho phát triển bền vững quốc gia