Quảng Bình: 20.000 ha rừng ven biển được phục hồi và bảo vệ đến năm 2030

Như Ngọc|18/12/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đề án này sẽ giúp Quảng Bình phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học; Sử dụng rừng bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt “Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”.

Cụ thể, dự kiến giai đoạn 2021 – 2025, quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng ven biển hiện có 7.258 ha, nhất là diện tích rừng phòng hộ; Giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 7.317 ha; Trồng rừng mới 1.700 ha, trong đó rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển (trên lập địa đất, cát ngoài ngập mặn) 500 ha; Trồng rừng sản xuất kết hợp phòng hộ 1.200 ha.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, phục hồi rừng 2.300 ha, gồm rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển (trên lập địa đất, cát ngoài ngập mặn) 1.000 ha; Rừng sản xuất kết hợp phòng hộ 1.300 ha; Chăm sóc rừng trồng: 4.000 ha; Trồng cây phân tán ven biển 300.000 cây.

Ngoài ra, sẽ triển khai thực hiện các công trình lâm sinh khác phục vụ bảo vệ, phát triển rừng ven biển gồm: 10 chòi canh lửa, vườn ươm, 50 km đường ranh cản lửa, 20 đường giao thông kết hợp bảo vệ rừng, 4 bể chứa nước phục vụ chữa cháy rừng, 60 bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, 300 mốc phân định ranh giới…

Theo đó, đề án nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng, khu dân cư, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; Sử dụng rừng bền vững; Tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.

Được biết, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình chuyển đổi từ khai thác tài nguyên rừng sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, kinh doanh lâm nghiệp toàn diện, hình thành các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng đã không chỉ làm tăng nhanh diện tích các loại rừng của tỉnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Ông Nguyễn Văn Long – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Những năm qua, nhờ phát triển lâm nghiệp bền vững đã đưa lại hiệu quả nhiều mặt. Các nhà máy chế biến lâm sản được đảm bảo nguồn nguyên liệu; người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng. Môi trường sinh thái cũng nhờ rừng mà được cải thiện đáng kể…”.

Như Ngọc

Bài liên quan
  • Ân tình Quảng Bình gửi thành phố Hồ Chí Minh
    Moitruong.net.vn – Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ kéo dài, nhiều người lao động phải nghỉ việc, giảm thu nhập. Bữa ăn hàng ngày vì thế mà gặp nhiều khó khăn, bởi cuộc sống mùa Covid giá cả leo thang, nhu yếu phẩm thiếu thốn, khan hiếm, đặc biệt là trong những khu cách ly, phong tỏa. Hiểu thấu những khó khăn và vất vả đó, người dân Quảng Bình đã chung tay hỗ trợ, kêu gọi, phát động các chương trình quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm gửi đến thành phố mang tên Bác và miền Nam để vượt qua đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: 20.000 ha rừng ven biển được phục hồi và bảo vệ đến năm 2030
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.