Quảng Bình : Công nhận Lễ hội Đua thuyền quê hương Đại tướng là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Minh Tâm|02/09/2019 03:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 27.8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy ở tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hàng năm cứ vào ngày Quốc khánh 2-9, lễ hội đua thuyền truyền thống lại diễn ra sôi nổi và hào hứng trên sông Kiến Giang với sự tham gia của nhiều xã trong huyện. Lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng của dân tộc và được gọi là Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Hàng vạn du khách thập phương đổ về Lệ Thuỷ để xem hội đua thuyền truyền thống.

Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường niên nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lễ hội này từ lâu đã trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân Lệ Thủy trong ngày Quốc khánh.

Lễ Hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Tâm

Có thể nói, Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nói riêng và ngày Tết Độc lập 2-9 nói chung là một dịp đặc biệt trong năm của người dân quê lúa huyện Lệ Thủy, bên cạnh ngày Tết Nguyên đán. Đây là dịp để con em người dân xứ Lệ cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Và cũng là dịp để mỗi người dân Lệ Thủy cùng ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.

Cứ vào ngày dịp 2/9 hằng năm, sông Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Không biết tự bao giờ, ở vùng quê lúa này xuất hiện câu ca mang âm hưởng phấn chấn tươi vui, tưng bừng lễ hội miền sông nước:

“Dù ai đi tây về đông

Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội dân gian truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Lệ Thủy. Bao lớp người Lệ Thủy khi sinh ra và lớn lên đã được sống, chứng kiến bầu không khí của lễ hội được tổ chức hàng năm. Tham gia lễ hội đua thuyền, nếu là thuyền nam gọi là bơi, thuyền nữ là đua. Đường đua, bơi dài từ 15km (nữ), 24km (nam) dọc theo con sông Kiến Giang  thu hút sự cổ vũ của hàng vạn người dân hai bên bờ sông.

Lễ hội đua, bơi thuyền thu hút đông đảo người dân đến cổ vũ. Ảnh: Minh Tâm

Lễ hội được tổ chức để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên; thể hiện tình thân, tinh thần đoàn kết, gắn bó của mỗi người trong cộng đồng làng xã.

Ngày 27.8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2968 về việc công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc giaLễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy ở tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang không chỉ bảo tồn nét văn hoá dân tộc, bản sắc vùng miền làng quê, mà còn góp phần phát triển du lịch địa phương bền vững, giới thiệu những giá trị văn hoá vùng đất con người Lệ Thuỷ tới du khách thập phương.

Một số hình ảnh khác của Lễ hội Đua, bơi thuyền:

Minh Tâm 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình : Công nhận Lễ hội Đua thuyền quê hương Đại tướng là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia