Quảng Nam chấn chỉnh hàng loạt doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản

Vũ Thành|28/07/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chấn chỉnh những tồn tại, sai phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, kinh doanh khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại địa bàn thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.

UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, sau khi xem xét cáo cáo số 03/BC-ĐKTLN ngày 15/7/2022 của Tổ Kiểm tra liên ngành (được thành lập theo Quyết định số 1450/QĐ-UBND ngày 30/5/2022 của UBND tỉnh) về kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan trong hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, kinh doanh khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 7 doanh nghiệp là, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP; Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP - Xí nghiệp Hưng Long; Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt; Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy; Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Đông; Công ty TNHH Vật liệu Núi Thành. tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành.

Ngày 25/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho các sở, ban ngành về việc chấn chỉnh, xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp trên.

khai-thac-khoang-san.png
Xe vận chuyển vật liệu xây dựng băm nát tuyến đường dân sinh ở Núi Thành

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai chấm dứt ngay việc sử dụng đất nằm ngoài diện tích khu vực chế biến của mỏ đá Hưng Long để tập kết, chế biến khoáng sản.

Mặt khác, Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai phải chấm dứt ngay việc sử dụng đất tại khu vực chế biến của mỏ đá Hưng Long để tập kết, chế biến khoáng sản mua ngoài phạm vi và không thuộc nguồn gốc của mỏ đá Hưng Long do chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hoà Đông và Công ty TNHH Vật liệu Núi Thành, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, chế biến khoáng sản và di dời toàn bộ nguyên vật liệu, sản phẩm đá xây dựng và máy móc, thiết bị phục vụ chế biến khoáng sản tại các khu vực hiện đang sử dụng, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu do chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai theo đúng quy định của pháp luật; chấm dứt ngay việc mua, bán, kinh doanh khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường không có nguồn gốc hợp pháp.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP chỉ đạo Xí nghiệp Hưng Long chấm dứt ngay việc sử dụng đất ngoài diện tích được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất theo đúng quy định; di dời toàn bộ máy móc, thiết bị, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu đối với khu vực sử dụng đất ngoài diện tích được cấp phép trước ngày 30/8/2022.

Việc cho phép Công ty TNHH Nam Việt Anh Chu Lai sử dụng đất, hạ tầng để hoạt động chế biến, tập kết khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường không có nguồn gốc xuất xứ từ mỏ đá Hưng Long phải được chấm dứt ngay.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Nhựa Đường Minh Đạt chấm dứt ngay hoạt động mua, bán đá xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp và chấm dứt việc ủy quyền, hợp tác cho các đơn vị khác sử dụng diện tích đất tại khu vực mỏ đá Hòa Đông khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường theo đúng quy định.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Nhựa Đường Minh Đạt phải chấp hành thực hiện việc đóng của mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực mỏ đá Hòa Đông theo đúng quy định.

khai-thac-khoang-san-2.png
Hoạt động khai thác đá trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành thường xuyên gây ô nhiễm môi trường

Trước đó, người dân bức xúc về vấn đề: Một xã “gánh” 5 mỏ đá “tra tấn” dân bởi khói bụi và tiếng ồn” bởi tình trạng khai thác đá ở thôn Hòa Đông và Hoà Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam “tra tấn” người dân suốt nhiều năm nay. Mặc dù đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương, thậm chí bỏ công việc để chặn xe….nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết. Trong số 5 mỏ đá ở khu vực này có 2 mỏ đã hết giấy phép nổ mìn, chính quyền không cho doanh nghiệp mua đá về sản xuất nhưng họ vẫn “ngang nhiên” chở đá về chế biến liên tục, gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, đơn vị quan trắc của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đo, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm về mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá. Kết quả cho thấy hàm lượng bụi lơ lửng vượt giới hạn lên đến 5 lần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam chấn chỉnh hàng loạt doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản