Theo đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng sạt lở trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn tại tỉnh Quảng Nam và các nhánh nhỏ của hệ thống sông này đang diễn ra với cường độ ngày càng lớn, đe dọa phần lớn diện tích đất sản xuất, nhà ở và an toàn tính mạng của người dân.
Trên toàn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có hơn 19.500 hộ dân sống ven sông thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi sạt lở và khoảng 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp đang bị đe dọa. Trong đó, hơn 1.200 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở bờ sông.
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn qua thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và 2 huyện Duy Xuyên, Đại Lộc đã xuất hiện 85 điểm sạt lở, trong đó 36 điểm sạt lở lớn, đe dọa nhiều diện tích đất sản xuất, làng mạc, nhà cửa và tính mạng người dân.
Ngoài khu vực lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thì các dòng sông khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ, biến động theo từng đợt mưa, lũ. Ngoài tác động của thiên tai, mưa lũ, thì việc xây dựng khu dân cư, phát triển giao thông... cũng tác động đến dòng chảy, khiến tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp.
Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Các địa phương thực hiện cắm biển báo, rào chắn để người dân cảnh giác đối với các khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở cao để hạn chế thiệt hại. Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, những vị trí có nguy cơ sạt lở cao sẽ được đưa vào kế hoạch xây dựng các công trình trọng điểm để triển khai thực hiện".