Được biết, nhà nước bàn giao một phần diện tích mặt nước của khu bảo tồn cho cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển các loại hình dịch vụ nhưng phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn các giá trị tài nguyên.
Sau khoảng 10 năm hoạt động, mô hình đạt hiệu quả, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Từ chỗ họ chỉ sống hầu như phụ thuộc vào việc khai thác hải sản, khai thác củi rừng, thì đến nay cộng đồng thôn Bãi Hương đã tự tổ chức quản lý, tuần tra, kiểm soát và phát triển dịch vụ trong phạm vi tiểu khu với sự hỗ trợ của Khu bảo tồn biển, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm và chính quyền xã Tân Hiệp
Mô hình thứ hai là mô hình cộng đồng tham gia phục hồi san hô cứng và phát triển các dịch vụ lặn ngắm san hô.
Trong mô hình này, các thành viên của tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã làm chủ công nghệ phục hồi san hô cứng, trở thành lực lượng hợp tác chiến lược của khu bảo tồn biển. Đây chính là mô hình tạo nền tảng để thực hiện lộ trình chuyển giao quyền quản lý cho người dân và khuyến khích họ phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn tính đa dạng và phát huy các giá trị văn hóa bản địa.