Quảng Nam, Quảng Ngãi: Sơ tán dân khỏi khu vực sạt lở trước bão số 9

Lê Mai|27/10/2020 04:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các địa phương ven biển, cửa sông, miền núi của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có phương án sơ tán dân ở vùng sạt lở, khu vực nguy hiểm trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu sơ tán dân khỏi vùng sạt lở – Ảnh: BRIU NA

Ngay trong tối ngày 26/10, lãnh đạo xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) đã triệu tập họp nhanh với các lực lượng phòng chống bão của xã. Nhiệm vụ chính trong tối và đêm là phải đi đến tận các khu dân cư để thông báo cho người dân biết kế hoạch sơ tán đến khu vực an toàn vào ngày 27/10.

Căn nhà tạm cấp 4 của chị Trần Thị Tâm (thôn Tân An, xã Bình Minh khó có thể đảm bảo an toàn cho chị và 4 cháu nhỏ trước sức ảnh hưởng dự báo của cơn bão số 9. Vì vậy, chị thấy an tâm khi nghe thông báo về việc sơ tán đến nơi an toàn hơn.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đang duy trì 100% quân số, ứng trực 24/24 để theo dõi công tác phòng chống bão, đôn đốc các địa phương khẩn trương di dời người dân vùng xung yếu.

Trong đêm qua, tất cả các xã bãi ngang ven biển của Quảng Nam đã thông báo kế hoạch sơ tán dân. Tỉnh này sẽ sơ tán ít nhất 172 ngàn người. Việc sơ tán người sẽ phải hoàn thành trước 5h chiều nay. Tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu các địa phương phải đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Những phương án ứng phó bão số 9 đã được tỉnh Quảng Ngãi triển khai đồng loạt – Ảnh: T.M

Trưa 26-10, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký, ban hành văn bản, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vào cuộc chống bão số 9.

Theo đó, bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại) từ 20g ngày 26-10 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định trở lại.

Đối với công tác ứng phó với bão đổ bộ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn người dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng chống bão.

UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp xã, sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết…

Riêng huyện đảo Lý Sơn phải tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, khách du lịch.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt, nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ); những hộ dân không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh, lực lượng đã hiệp đồng sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó bão, lũ lớn, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.

Lê Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam, Quảng Ngãi: Sơ tán dân khỏi khu vực sạt lở trước bão số 9