Rừng phòng hộ xã Tư giáp ranh với TP Đà Nẵng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang làm chủ rừng. Tại xã này có hai trạm bảo vệ rừng với gần 10 người đóng ở trong rừng và ở gần trung tâm xã.
Từ khu vực trang trại chăn nuôi heo thịt Đông Giang, theo con đường đất xe tải chở gỗ keo vào thượng nguồn Sông Vàng, trên đường đi, nhiều dấu vết trâu kéo gỗ còn mới.
Dọc tuyến đường, dấu chân trâu, đường gỗ kéo rộng hơn 50cm in hằn trên bùn đất. Từ đây đi vào rừng khoảng 200m, tại khoảnh 5, tiểu khu 65 có nhiều cây gỗ bị đốn hạ.
Theo phản ánh của người dân địa phương, đây là cánh tự nhiên tái sinh, không còn nhiều cây gỗ lớn nhưng thời gian gần đây nhiều lâm tặc vào rừng dùng cưa máy chặt cây, xẻ gỗ trái phép. Lâm tặc thường chọn những cây gỗ thẳng, to để đốn hạ. Sau khi cưa xẻ xong thì mở đường cho trâu kéo ra bên ngoài.
Nhiều gốc cây này mới bị đốn cách đó tầm vài ngày, mủ tứa ra. Gỗ đã bị lâm tặc cắt, xẻ đưa ra khỏi rừng. Ngoài ra, một số khúc gỗ do thân bị rỗng ruột, giá trị không cao nên còn lại nằm ngổn ngang giữa rừng. Qua kiểm đếm cho thấy, hơn 10 cây gỗ lớn và nhiều cây gỗ nhỏ bị đốn hạ. Tại hiện trường một số cây gỗ được lực lượng chức năng đánh dấu sau khi phát hiện.
Theo dấu vết để lại, gỗ được trâu kéo tập kết ra khỏi rừng đưa về xuôi đi tiêu thụ. Để làm được việc này họ phải vận chuyển chạy ngang qua con đường độc đạo, nơi đó có Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang đóng tại đây.
Ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho biết, tại xã Tư thành lập hai chốt chặn bảo về quản lý rừng. Tại khoảnh 5, tiểu khu 65 lực lượng tuần tra hai lần phát hiện tình trạng phá rừng. Theo biên bản của Trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 có 11 cây, đường kính từ 20 - 65cm bị chặt hạ, chưa xác định chủng loại, khối lượng.
"Tại hiện trường không còn gỗ, người nên không xác định được đối tượng chặt hạ, chủng loại cây và thời gian chặt", ông Thịnh nói và cho biết các đối tượng lén lụt khai thác gỗ. Khu vực này gần đường nên đối tượng khai thác gỗ chặt hạ một cây thì cưa xẻ đưa ra, sau đó thì vào chặt tiếp, không chặt đại trà.