Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành khảo sát và lập Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, có gần 50% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sử dụng phương pháp chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp là các bãi hở, không hợp vệ sinh, mỗi xã có một bãi chôn lấp hoặc điểm tập kết rác tự phát tại các khu đất trống, phát tán mùi hôi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Ngoài ra, nhiều nơi chưa áp dụng chương trình phân loại rác tại nguồn; không có vị trí điểm lưu trữ/trung chuyển rác, toàn bộ chất thải sau khi thu gom được chuyển trực tiếp về khu xử lý ở các vùng. Mặt khác, mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải đô thị có tăng, nhưng vẫn chưa đảm bảo được công suất xử lý hàng ngày.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết: “Đề án tính toán đến năm 2025 tổng khối lượng rác thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 418 nghìn tấn/năm; đến năm 2030, tổng khối lượng phát sinh gần 470 tấn/năm, ngoài ra còn có lượng rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải nông nghiệp phát sinh không nhỏ. Giải pháp thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt được đưa ra khá đồng bộ, phù hợp, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh hiện tại và tương lai”.
“Mục tiêu chính của đề án là phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng; giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Vì thế, Quảng Ngãi phải nghiêm túc xem xét và thông qua đề án cần thiết này, để phê duyệt và đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt” – Ông Hiền nhấn mạnh.
Được biết, hiện Sở TN&MT đang tổng hợp và rà soát, bổ sung những ý kiến đóng góp của các sở, ngành, nhằm hoàn thiện đề án theo hướng sát thực với tình hình địa phương, trong đó, đặc biệt lưu ý thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường biển. Nguồn lực tài chính có thể là xã hội hóa hoặc ngân sách đầu tư, đảm bảo cam kết về thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường.
Đề án sẽ được hoàn thiện, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/3/2023.