Quảng Ngãi: Hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Như Đồng|18/10/2021 13:24
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi vừa có hướng dẫn phân loại thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”…

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc  kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng, bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và được lưu giữ tạm thời tại khu vực cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19…

Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải

Thu gom thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ nơi lưu giữ tạm thời về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế ít nhất 02 lần/ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Ưu tiên xử lý ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Trường hợp cơ sở y tế không có chức năng xử lý chất thải y tế, ưu tiên vận chuyển chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 để xử lý ngay trong ngày tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải…

Tại khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung, chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”…

Trong quá trình thực hiện phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, chất thải phát sinh từ nhà/phòng cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly…

Đối với chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV- 2 gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng thải bỏ sau khi phân loại phải bỏ vào bao, túi đựng chất thải màu vàng, xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong khu vực phong tỏa. Các chất thải sinh hoạt khác được đựng trong các thùng chưa rác, có nắp đậy, ưu tiên đặt gần các chốt kiểm soát để thuận tiện trong việc thu gom, vận chuyển.

Trong khu vực phong tỏa, nếu có người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID – 19 thì chất thải phải được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý nêu tại mục 1, phần B của Hướng dẫn này. Đối với các chất thải sinh hoạt còn lại, sau khi phân loại được xem như chất thải sinh hoạt thông thường, hộ gia đình, cá nhân bỏ vào bao, túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có nắp đậy được đặt trong khu phong tỏa để đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định…

Như Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.