Đây là chủ trương nhất quán của tỉnh Quảng Ninh nhằm xây dựng thành phố Hạ Long lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển.
Cách đây hơn 10 năm, hai nhà máy ximăng của Công ty cổ phần Ximăng Thăng Long với 1 dây chuyền công suất 2,3 triệu tấn/năm và Công ty cổ phần Ximăng Hạ Long với 1 dây chuyền 2 triệu tấn/năm, được đầu tư xây dựng ở huyện Hoành Bồ của tỉnh Quảng Ninh.
Việc quyết định cho đầu tư xây dựng hai nhà máy trên trong bối cảnh Quảng Ninh chưa tính đến việc phát triển đô thị ở khu vực này.
Đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ chính thức được sáp nhập vào thành phố Hạ Long.
Khi đó, Quảng Ninh xác định xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Việc xây dựng 2 nhà máy này trước đây từng có nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia, các nhà quản lý bởi ở những vị trí khá nhạy cảm về môi trường và cảnh quan đối với vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long.
Thi công cầu Cửa Lục 1 bắc qua vịnh Cửa Lục. Ảnh: N.H.
Dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Thăng Long tại xã Lê Lợi đi vào hoạt động năm 2008, với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm; trong khi dây chuyền 1 của Nhà máy xi măng Hạ Long tại xã Thống Nhất, với công suất thiế kế 2,07 triệu tấn xi măng/năm cho sản phẩm từ 2010.
Cả 2 nhà máy này đều được duyệt quy hoạch cho phép mở rộng tiếp giai đoạn 2, với công suất tương đương với các nhà máy hiện nay. Vùng nguyên liệu cho nhà máy giai đoạn 2 cũng đều được các cấp, ngành liên quan phê duyệt.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có văn nhiều bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020” ra khỏi quy hoạch; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030. Lý do là nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh.
Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, qua nghiên cứu, theo dõi thực tiễn, trong khi các dây chuyền 1 của 2 nhà máy đang hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật; các dây chuyền 2 đang được triển khai đầu tư đảm bảo các quy định pháp lý. Hơn nữa, việc đầu tư giai đoạn 2 sẽ phát huy hơn nữa cơ sở hạ tầng, các hạng mục của giai đoạn 1. Đến nay, một số công đoạn của cả 2 dự án giai đoạn 2 đã được các chủ đầu tư triển khai. Vì thế, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, xem xét về đề xuất của Công ty CP xi măng Hạ Long và Thăng Long để hai công ty được phép tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
Theo ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh – sau khi Hoành Bồ sát nhập vào Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ra nhiều văn bản, chỉ thị về việc quản lý toàn diện vịnh Cửa Lục, từ không gian, cảnh quan tới môi trường.
Hoa Minh (t/h)